Tư duy sai lầm khiến bạn làm việc nhiều mà không hiệu quả

Ngày nay, nhiều người làm việc với cường độ cao nhưng kết quả không tương xứng với công sức bỏ ra. Hãy thứ khảm phá những tư duy sai lầm đang cản trở hiệu quả làm việc của bạn nhé!

Nhân viên quản lý của tôi gần đây đã “dỗi” và đề nghị nghỉ việc khi tôi phê bình về một công việc đã giao nhiều ngày. Chị nhắn tin cho tôi rằng chị “thấy mình không đáp ứng được yêu cầu công ty”. Trước đó tôi đã thường xuyên cảnh báo chị đang căng thẳng và dành sức lực quá mức trong công việc. Chị làm việc cả vào buổi tối và cuối tuần. Chị rất trách nhiệm với công việc nhưng lại không nhận ra mình đang gặp bẫy “làm việc nhiều mà không hiệu quả”.

Đó là câu chuyện đã xảy ra cách đây một tháng, hiện tại chị vẫn đang tiếp tục công việc của mình nhưng với cách nhìn hoàn toàn mới về sự hiệu quả trong công việc.

Ngày nay, nhiều người làm việc với cường độ cao nhưng kết quả không tương xứng với công sức bỏ ra. Điều này không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn tạo ra stress, kiệt sức và mệt mỏi không cần thiết. Bạn có đang gặp tình huống như vậy? Hãy thứ khảm phá những tư duy sai lầm đang cản trở hiệu quả làm việc của bạn nhé!

1. Nỗi sợ và áp lực nội tại – Kẻ thù vô hình của hiệu suất

Mối quan hệ giữa lo âu và hiệu suất làm việc là một mối quan hệ thú vị. Thông thường, một chút lo lắng hay căng thẳng giúp bạn tỉnh táo và nâng cao hiệu suất, giống như café kích thích bạn tập trung hơn. Nhưng khi mức độ lo âu vượt quá ngưỡng tối ưu, giống như uống quá nhiều café, bạn sẽ cảm thấy bất an và hiệu suất bắt đầu đi xuống. Não bộ của bạn lúc này chuyển sang chế độ đối phó thay vì sáng tạo, khiến bạn khó làm việc hiệu quả.

Khi làm việc trong trạng thái lo sợ, năng lượng của bạn phần lớn bị tiêu tốn vào việc đối phó với những nỗi sợ vô hình bên trong:

  • Sợ bị đánh giá năng lực kém
  • Sợ không đạt được kỳ vọng của bản thân và người khác
  • Sợ kết quả tụt dốc so với trước
  • Lo lắng không vượt qua được khó khăn của thị trường

Những nỗi sợ này khiến tâm trí bị co hẹp, chỉ tập trung vào vấn đề mà không thể mở rộng để nhìn thấy giải pháp. Khi năng lượng bị tiêu hao cho việc lo sợ, bạn càng phải nỗ lực nhiều hơn để đạt kết quả, dẫn đến một vòng xoáy tiêu cực của căng thẳng và kiệt sức.

Ví dụ, một quản lý cấp trung đang đối mặt với thách thức tăng trưởng trong bối cảnh thị trường khó khăn. Thay vì tập trung vào việc tìm giải pháp sáng tạo, họ thường mắc kẹt trong vòng xoáy của việc kiểm tra đi kiểm tra lại các số liệu, dành hàng giờ để hoàn thiện các bản thuyết trình, và liên tục so sánh với thành tích trong quá khứ. Năng lượng của họ dần cạn kiệt trong nỗ lực chống chọi với những nỗi sợ bên trong, thay vì được dùng để sáng tạo và phát triển.

2. Quá nhiều mục tiêu và mong muốn mọi thứ hoàn hảo – Bẫy của sự phân tán

Khát vọng thành công thường đi kèm với mong muốn đạt được nhiều thành tựu cùng lúc. Khi một người đặt ra quá nhiều mục tiêu cùng lúc, họ giống như đang cố gắng đuổi theo nhiều con thỏ – cuối cùng không bắt được con nào. Khi não bộ phải xử lý nhiều thông tin và quyết định cùng lúc, chất lượng quyết định sẽ giảm dần theo thời gian. Trường hợp kinh điển trên thế giới là Mark Zuckerberg đã tối ưu năng lượng não bộ mỗi ngày khi luôn chọn mặc cùng một kiểu áo, giúp tập trung tâm sức vào những việc quan trọng hơn là việc lựa chọn trang phục.

Tâm lý muốn đạt được nhiều thành tựu cùng lúc đi kèm với tính cầu toàn cao thường dẫn đến:

  • Đặt ra quá nhiều mục tiêu không thực tế
  • Phân tán nguồn lực theo nhiều hướng
  • Khó tập trung vào những việc thực sự quan trọng
  • Khó có thể hoàn thành xuất sắc bất kỳ việc nào

Việc theo đuổi nhiều mục tiêu cùng lúc thực ra không hề giúp bạn phát triển bản thân hoặc cải tiến nhanh chóng, ngược lại, thói quen này khiến hiệu suất giảm sút nghiêm trọng. Tâm sức của chúng ta không thực sự đa nhiệm như những hành vi mà cơ thể biểu hiện. Đây là một nghịch lý mà nhiều người thành đạt đã từng mắc phải trước khi nhận ra và điều chỉnh.

stress
Việc theo đuổi nhiều mục tiêu cùng lúc thực ra không hề giúp bạn phát triển bản thân hoặc cải tiến nhanh chóng, ngược lại, thói quen này khiến hiệu suất giảm sút nghiêm trọng.

3. Ảo tưởng về sức mạnh của ý chí – Một niềm tin sai lệch

Nhiều người tin rằng chỉ cần có đủ ý chí và nỗ lực thì sẽ đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, đây là một nhận thức phiến diện vì:

  • Kết quả phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan mà không đảm bảo trước 100% được
  • Có vô số yếu tố và điều kiện khách quan cùng tác động đến bất kỳ kết quả cuối cùng
  • Xác suất thất bại luôn là 50% vì nếu đủ điều kiện thì thành, mà không đủ điều kiện thì bại, bất kể mong muốn của chúng ta là thế nào.

Chúng ta thường được dạy rằng “có công mài sắt có ngày nên kim”, nhưng thực tế phức tạp hơn nhiều. Ý chí của bạn chỉ là một phần, mà phần đó lại không thể quyết định được kết quả. Sự thật là chỉ cần thiếu một điều kiện khách quan nào đó thì kết quả sẽ không xảy ra được.

Điều này không có nghĩa là ý chí không quan trọng, nhưng ý chí cần được cân bằng với sự thấu hiểu về vai trò quyết định của những yếu tố khách quan như sức khoẻ, thị trường, chính sách v.v.. Một ví dụ điển hình là chính tôi từng có lần rất cố gắng để chuẩn bị đấu thầu một dự án nhưng vào ngày quan trọng nhất, tôi đã thất bại chỉ vì… điện thoại hỏng giữa đêm nên buổi sáng không có chuông báo thức, tôi đã không kịp đến nơi thuyết trình. Hãy nhìn lại trong cuộc sống của bạn để thấy rất nhiều lúc ý chí của bạn rất mạnh nhưng chỉ vì thiếu một điều kiện khách quan thì kết quả vẫn không xảy ra.

Khi quá tin vào sức mạnh của ý chí, người ta dễ rơi vào trạng thái cố gắng quá mức, thậm chí là kiệt sức. Khi không đạt hiệu quả, họ thất vọng về chính mình, đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc tiếp tục công việc trong cảm giác bất công, ức chế.

4. Thiếu kết nối với tiến trình tự nhiên của công việc

Một khuôn mẫu tư duy quan trọng khác cần nhận diện là xu hướng đi ngược lại với dòng chảy tự nhiên của công việc. Biểu hiện:

  • Cố gắng ép buộc kết quả theo mong muốn chủ quan
  • Không đủ kiên nhẫn và tôn trọng quy luật phát triển tự nhiên
  • Bỏ qua các tín hiệu phản hồi từ thực tế
  • Thiếu linh hoạt trong điều chỉnh kế hoạch

Khi chúng ta làm việc trong trạng thái thuận tự nhiên, mọi thứ diễn ra thuận lợi. Ngược lại khi cố ép buộc kết quả, chúng ta càng mất năng lượng vào việc chống lại. Não bộ sẽ kích hoạt phản ứng ‘chống đối’ tự nhiên, khiến năng lượng bị chia làm hai phần: một phần để làm việc, một phần để ‘chiến đấu’ với sự khó chịu bên trong. Kết quả là hiệu suất sụt giảm dù công sức tiêu tốn rất nhiều.

Đây đều là những điểm yếu có thể phát sinh trong quá trình bạn quá cố gắng chạy về vạch đích mà không có đủ sự bình tĩnh để nhìn rõ thực tế đang xảy ra như thế nào. Đôi khi, đó chính là sự không chấp nhận nổi rằng kế hoạch và ý tưởng ban đầu của mình có thể đã sai lầm, không còn phù hợp với thị trường nữa. Sự tiếc nuối khiến cho ta không muốn từ bỏ mà lại tiếp tục gồng sức hơn để cố gắng bẻ ngược dòng chảy một cách vô ích.

Việc tôn trọng quy luật phát triển tự nhiên, cho phép thời gian để mọi người thích nghi và học hỏi, sẽ tạo nên một quá trình chuyển đổi bền vững và hiệu quả hơn.

20241121 153558
Khi chúng ta làm việc trong trạng thái thuận tự nhiên, mọi thứ diễn ra thuận lợi. Ngược lại khi cố ép buộc kết quả, chúng ta càng mất năng lượng vào việc chống lại.

GIẢI PHÁP ĐỂ TỐI ƯU HIỆU QUẢ CÔNG VIỆC

Để khắc phục những khuôn mẫu tư duy trên, chúng ta cần một cách tiếp cận cân bằng và trí tuệ hơn. Thay vì chỉ tập trung vào việc làm nhiều hơn, bạn cần dành thời gian để:

  • Nhận diện và chấp nhận các nỗi sợ, thay vì chối bỏ hay đè nén chúng
  • Tập trung vào bản chất thay vì dàn trải các mục tiêu
  • Kết hợp hài hòa giữa nỗ lực cá nhân và thấu hiểu vai trò quyết định của điều kiện khách quan
  • Phát triển khả năng lắng nghe và điều chỉnh theo phản hồi của thực tế

Bằng cách nhận diện và điều chỉnh các khuôn mẫu tư duy sai lệch, bạn sẽ tìm được cách làm việc thông minh hơn, đạt hiệu quả cao mà không cần tiêu tốn quá nhiều năng lượng. Đó là lối sống hiệu quả và bình an mà tôi đã hướng dẫn cho rất nhiều doanh nghiệp thực hiện, là chìa khóa để đạt được thành công bền vững trong dài hạn.

Nhìn lại câu chuyện nhân viên của tôi ở đầu bài, khi công việc không hiệu quả thì điều chị ấy cần không phải là tìm cách làm việc nhiều hơn. Chị cần nhận ra và thay đổi những khuôn mẫu tư duy đang kìm hãm hiệu suất của mình. Còn bạn, đâu là vấn đề đang gây giảm hiệu quả công việc của bạn?

training
Chuyên gia Hồng Anh đào tạo tại JCI Hà Nội

Được đọc nhiều nhất

Bình chọn

xuất hiện trên 360° Emotions số tiếp theo

Đăng nhập

Kết nối, thảo luận và tương tác nhiều hơn

Bạn chưa có tài khoản? ĐĂNG KÝ

Đăng ký

Sử dụng tài khoản Google của bạn để truy cập ngay – an toàn và tiện lợi

hoặc hoàn thành biểu mẫu sau

Bạn đã có tài khoản? ĐĂNG NHẬP