Điều gì tạo nên sự khác biệt giữa những người thành công nhất thế giới với phần còn lại? Một nghiên cứu quy mô lớn đã phỏng vấn 500 người thành công hàng đầu, bao gồm Steve Jobs, Warren Buffett và Bill Gates với cùng một câu hỏi: “Điều gì đã làm nên thành công của bạn?”. Kết quả thật bất ngờ: 52% đưa ra cùng một đáp án – “Vì tôi làm việc trong niềm hạnh phúc và sự tận tâm“.
Họ không đề cập đến việc quản lý thời gian hiệu quả hay áp dụng các công cụ như Pomodoro, GTD (Getting Things Done), hay Time Blocking. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn về cách chúng ta vẫn đang tiếp cận hiệu suất công việc.
Thực tế cho thấy, dù áp dụng đủ loại phương pháp quản lý thời gian, nhiều người vẫn không thể cải thiện được hiệu suất. Họ vẫn cảm thấy kiệt sức sau một ngày làm việc, chất lượng công việc không đạt kỳ vọng dù đã sắp xếp thời gian cẩn thận. Vấn đề nằm ở chỗ: họ bỏ qua yếu tố quan trọng nhất quyết định hiệu suất công việc – đó là trạng thái năng lượng khi làm việc.

Hãy xem cách những người thành công quản lý năng lượng của họ
Steve Jobs từng chia sẻ: “Suốt 33 năm qua, mỗi sáng nhìn vào gương, tôi tự hỏi: ‘Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của đời mình, liệu tôi có muốn làm những việc mình sắp làm không?’ Và bất cứ khi nào câu trả lời là ‘Không’ trong nhiều ngày liên tiếp, tôi biết mình cần thay đổi điều gì đó.”
Một ví dụ khác là Arianna Huffington – Founder của Huffington Post và Thrive Global: Năm 2007, Huffington gục ngã vì kiệt sức tại văn phòng sau nhiều năm làm việc 18 giờ/ngày để phát triển Huffington Post. Sự kiện này đã thay đổi hoàn toàn cách bà nhìn nhận về năng lượng và hiệu suất làm việc. Bà đã xây dựng lại thói quen: ngủ đủ 8 tiếng, thiền định 20 phút mỗi sáng và tập trung vào chất lượng thay vì số giờ làm việc. Kết quả? Huffington Post phát triển mạnh mẽ và được AOL mua lại với giá 315 triệu USD năm 2011.
Tương tự, câu chuyện của Satya Nadella – CEO Microsoft cũng cho thấy sức mạnh của việc quản lý năng lượng. Khi nhận chức CEO năm 2014, thay vì tập trung vào việc làm việc nhiều giờ, Nadella chú trọng vào việc duy trì năng lượng thông qua việc chạy bộ 30 phút mỗi sáng và dành thời gian suy ngẫm mỗi ngày. Ông thường bắt đầu ngày mới bằng việc tự hỏi bản thân về những điều biết ơn và định hướng cho ngày mới.
Quan trọng hơn, Nadella tập trung vào việc xây dựng một môi trường làm việc nơi mọi người có thể duy trì năng lượng tích cực. Ông chuyển đổi văn hóa Microsoft từ cạnh tranh nội bộ sang hợp tác và cởi mở, khuyến khích sự đồng cảm và học hỏi liên tục. Kết quả? Microsoft đã phát triển vượt bậc, với giá trị vốn hóa tăng từ 300 tỷ USD (2014) lên hơn 3000 tỷ USD (2024).
Điểm chung của Steve Jobs, Arianna Huffington và Satya Nadella không phải là họ làm việc bao nhiêu giờ một ngày, mà là cách họ quản lý và duy trì năng lượng của mình. Jobs tập trung vào việc làm những điều có ý nghĩa, Huffington chú trọng vào chất lượng nghỉ ngơi, còn Nadella quan tâm đến trạng thái của bản thân và xây dựng môi trường năng lượng tích cực. Họ là những minh chứng cho thấy trạng thái năng lượng cao thật sự có tác động mạnh mẽ đến hiệu suất công việc.

Tại sao năng lượng quan trọng hơn thời gian?
Cùng một công việc, khi được thực hiện trong hai trạng thái năng lượng khác nhau sẽ cho ra những kết quả hoàn toàn khác biệt. Hãy tưởng tượng bạn đang viết một email quan trọng cho khách hàng. Nếu làm việc này trong trạng thái thoải mái, tự tin và chấp nhận mọi phản hồi có thể xảy ra, bạn sẽ viết một cách tự nhiên, chân thực và đầy năng lượng tích cực. Ngược lại, nếu viết trong trạng thái mệt mỏi, email của bạn sẽ thiếu đi sự chân thành và có thể tạo ra ấn tượng không tốt với người nhận.
Ngay cả khi có cùng kỹ năng và thời gian, trạng thái tinh thần khác nhau sẽ dẫn đến những kết quả khác biệt. Điều này giống như một vận động viên – không chỉ cần có kỹ thuật tốt mà còn phải duy trì được trạng thái tinh thần ổn định để phát huy hết khả năng. Trong công việc cũng vậy, trạng thái năng lượng cao giúp chúng ta tập trung hơn, sáng tạo hơn và đưa ra quyết định tốt hơn.
Khi nào đạt được trạng thái năng lượng cao?
Năng lượng không phải là một khái niệm mơ hồ hay khó nắm bắt. Nó hiện diện khi chúng ta thực sự tự do khỏi những ràng buộc vô hình của chính mình. Khi không còn bị chi phối bởi kỳ vọng và nỗi sợ về kết quả, ta tập trung vào những giá trị lâu dài, không thể mất đi được.
Trạng thái năng lượng cao chính là trạng thái rung động tâm thức bên trong mỗi người. Khi bạn nhìn nhận thế giới từ góc độ căng thẳng hay lo sợ về những tổn hại hoặc khao khát những thứ đặc biệt cho “cái tôi” của mình, năng lượng của bạn sẽ co lại. Ngược lại, khi bạn mở rộng cách nhìn, chấp nhận mọi kết quả có thể xảy ra như một phần tất yếu của quy luật vũ trụ, quan tâm đến việc tạo ra giá trị bền vững thì năng lượng của bạn sẽ được giải phóng và lan tỏa.
Giá trị có được từ trạng thái năng lượng cao
Khi hiểu được cách quản lý năng lượng của những người thành công, chúng ta có thể thấy rõ những giá trị mà trạng thái năng lượng cao mang lại, cụ thể:
(1) Tập trung vào bản chất và giá trị đích thực của mọi việc
Những “vỏ bọc” hào nhoáng bên ngoài của thành công hay những điều không tạo ra giá trị thực sự cho mọi người dần trở nên mờ nhạt. Công việc trở nên có ý nghĩa hơn khi ta hướng đến việc tạo ra giá trị thực sự cho người khác thay vì chứng tỏ bản thân giỏi hơn. Giá trị bền vững trở thành kim chỉ nam thay vì những thành tích ngắn hạn.
(2) Tạo ra niềm hạnh phúc thật sự trên hành trình
Khi làm việc với năng lượng cao, bạn sẽ tìm thấy niềm vui và ý nghĩa trong chính quá trình thực hiện công việc, không phụ thuộc vào kết quả cuối cùng. Đây chính là bí quyết để đạt được hạnh phúc thực sự trong công việc. Ngược lại, năng lượng thấp thường là dấu hiệu cho thấy bạn đang đặt toàn bộ giá trị và hạnh phúc của mình vào kết quả – điều không nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Như một nghệ sĩ đắm chìm trong khoảnh khắc sáng tạo. Mỗi khoảnh khắc trên hành trình đều trở nên đáng trân trọng chứ không chỉ nằm ở cái đích.
(3) Sáng suốt và bình an trong mọi quyết định
Tâm trí sẽ không còn bị chi phối bởi những nỗi sợ vô hình. Mọi vấn đề hiện ra dưới góc nhìn khách quan và toàn diện. Giá trị đích thực trở thành la bàn định hướng cho mọi quyết định, không còn chút dấu vết của áp lực hay sự thúc ép.
(4) Lan toả năng lực tích cực một cách tự nhiên
Khi làm bất cứ việc gì trong trạng thái năng lượng cao bạn sẽ có động lực làm điều lớn lao hơn và để ý hơn đến giá trị tạo ra cho những người xung quanh. Giống như một ly nước đầy sẽ tự động tràn ra, năng lượng bạn sẽ được truyền đi một cách tự nhiên qua trạng thái và cách làm việc của chính bạn.

Những giá trị to lớn từ việc duy trì trạng thái năng lượng cao đã được minh chứng qua thành công của Steve Jobs, Arianna Huffington và Satya Nadella. Vậy làm thế nào để xây dựng và duy trì được trạng thái năng lượng cao này trong công việc hàng ngày? Chúng ta sẽ cùng khám phá trong bài viết tiếp theo nhé!