Mình là Châu Anh, hay thường được mọi người gọi bằng tên gần gũi là Mia. Sinh ra và lớn lên tại một thị trấn nhỏ, mình cũng từng trải qua những trăn trở và vấn đề riêng như bao người. Mình là một người rất nhạy cảm nên nhiều việc vốn được coi là bình thường lại khiến mình trăn trở mãi. Chẳng hạn như vết bớt đen trên mặt mình – thứ khiến mình luôn tự ti và xấu hổ.
Đó là một vết bớt màu xanh đen nằm ở trên vùng thái dương bên trái gương mặt. Vết bớt ấy tuy không to lắm, thậm chí đối với nhiều người, đó là chi tiết nhỏ không đáng chú ý. Nhưng đối với mình, vết bớt là nguồn gốc của nhiều nỗi lo và tự ti. Mỗi khi nhìn thấy nó, mình nhớ lại rất nhiều ký ức buồn và tổn thương.
Nỗi tự ti về ngoại hình từng là một bức tường vô hình, ngăn cản mình thể hiện bản thân một cách trọn vẹn. Nó như một chiếc lồng giam, khiến minh không thể sống đúng với con người thật. Mình dần co cụm trong mặc cảm và những giới hạn do chính mình đặt ra.
Thật may mắn, mình đã vượt qua. Mình hy vọng những trải nghiệm của mình sẽ góp phần đánh thức sự tự tin và giúp bạn vượt qua những tiêu cực về ngoại hình giống như mình.
Nỗi đau giấu kín
Thuở bé, mình rất tự tin về ngoại hình. Được mọi người đánh giá là cô bé xinh xắn, thông minh và hoạt bát, nên mình thường tham gia các hoạt động tập thể, văn nghệ của trường, huyện, thành phố. Được mọi người khen ngợi và yêu quý vì vẻ ngoài xinh xắn, dễ thương khiến mình vô cùng hạnh phúc và tự tin. Vết bớt trên mặt gần như vô hình trong nhận thức của cô bé Mia hồn nhiên vui vẻ.
Vào cuối những năm tiểu học, lần đầu tiên có bạn cùng lớp nhìn chằm chằm vào vết bớt trên mặt mình và hỏi: “Bạn bị ngã đấy à, cái vết gì đen đen trên mặt bạn vậy?”. Cảm giác xấu hổ và tự ti ập đến, mình rụt rè trả lời: “Cái đó từ khi sinh ra mình đã có rồi.” Từ đó, mình bắt đầu để ý đến vết bớt và nuôi tóc mai giấu nó đi. Các bạn học hỏi mình, đôi khi là những câu hỏi ngây ngô, nhưng cũng có lúc là những lời trêu chọc ác ý. Những lúc đó, mình chỉ biết cúi đầu và im lặng, trong lòng là những suy nghĩ và cảm xúc hỗn loạn. Đỉnh điểm, mình bị bạn học tẩy chay, cô lập trong những năm cuối tiểu học. Quá khứ ấy là một vết thương lòng sâu sắc đối với một đứa trẻ non nớt. Đầy hoang mang và tủi hờn, mình không hiểu tại sao bạn học lại ghét bỏ mình đến thế. Mình bắt đầu ghét vết bớt. Mình cho rằng tại nó mà mình khác biệt nên không được mọi người đón nhận. Thầy cô luôn cố gắng bảo vệ và động viên mình, nhưng mình vẫn thấy tự ti . Cảm giác bị tách biệt ra khỏi tập thể thực sự rất đáng sợ và cô đơn.
Ba mẹ mình chia tay từ khi mình còn bé. Mình lớn lên cùng mẹ và sau mình, mẹ có thêm rất nhiều em. Trong gia đình đông anh em, mình cũng như bao đứa trẻ khác, luôn khao khát được mẹ và mọi người chú ý, yêu thương. Đặc biệt là khoảng thời gian bị tẩy chay, mình thực sự muốn gia đình bù đắp cho những nỗi buồn ấy. Nhưng vì mưu sinh và đông anh chị em, nên mẹ không thể dành sự quan tâm, chú ý cho đời sống tinh thần của từng đứa. Vậy nên mình đã lớn lên trong thế giới nội tâm của chính mình. Dần dần, mình chỉ thích ở yên trong phòng ngủ để tự trò chuyện.
Rồi một ngày của năm học cấp 2, mình nghe thấy mẹ nói chuyện với bà và những người lớn khác khi có người hỏi về vết bớt trên mặt mình. Mình không nhớ rõ từng câu chữ, nhưng đại ý, mẹ nói về một quan niệm dân gian: Khi sinh con ra mà đứa trẻ mang những vết bớt “đánh dấu” ở trên mặt, tức là đứa trẻ từng chết yểu nhiều lần từ nhà khác, bị “đánh dấu” bằng mực để thai nhi không đầu thai vào nhà đó nữa. Mình nghĩ ngay rằng mẹ nói những điều đó đồng nghĩa với việc mình không phải đứa con chính đáng của mẹ, “mình chỉ may mắn đầu thai vào gia đình này vì quá khứ nhiều lần bị chối bỏ”, và vết bớt này chính là minh chứng cho toàn bộ những sự kiện đau lòng ấy. Từ đó, mình càng thêm ghét bỏ và tổn thương mỗi khi nhìn vào vết bớt trên gương mặt, vì nó khiến mình liên tưởng đến quá khứ bị bỏ rơi, đầy bất hạnh mà thực tế chưa từng xảy ra. Đứa trẻ nào cũng buồn bực mỗi khi bị ba mẹ trách mắng. Nhưng mỗi khi mình bị mẹ chê trách dù luôn cố gắng làm tốt mọi việc được giao, thì nỗi lo bị từ chối, bị ghét bỏ luôn thường trực bên trong mình. Và mình lại đi vào phòng, nhìn thật lâu vào vết bớt và bật khóc.
Trong những năm tháng dậy thì, mình càng trở nên ám ảnh về vẻ ngoài . Mình quan tâm hơn đến hình ảnh của mình trong mắt người khác, và vết bớt dường như trở nên lớn hơn, nổi bật hơn. Mỗi lần có ai đó nhìn thấy và hỏi về nó, mình luôn cảm thấy như họ đang phán xét mình. Mình sợ bị chế giễu và xa lánh, dù bên ngoài mình vẫn cố gắng tham gia rất nhiều hoạt động và trở nên nổi bật để che giấu đi sự tự ti bên trong.
Khi vào đại học, mình thường xuyên trang điểm để che đi vết bớt mỗi khi ra ngoài. Điều này khiến mình cảm thấy ổn hơn một chút, nhưng trong lòng lại luôn lo sợ lớp trang điểm sẽ bị trôi đi do mồ hôi, và mọi người sẽ nhìn thấy vết bớt xấu xí ấy. Nỗi sợ hãi này trở thành gánh nặng tinh thần khiến mình không thể thoải mái và tự tin. Thậm chí đã không ít lần mình có ý định đi tẩy vết bớt trên mặt, nhưng mỗi lần lại có chuyện xảy ra và mình không thể đạt được ý muốn. Lúc đó mình thật sự tò mò, phải chăng định mệnh của mình là phải gắn liền với vết bớt ấy?
Trên mạng xã hội, mình là một người mẫu ảnh với hàng trăm ngàn lượt người theo dõi, có lượt tương tác rất cao và ổn định. Nếu chỉ nhìn vào những hình ảnh mình đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội, thật khó để các bạn có thể nhìn thấy một chút điểm nào không tự tin ở đó. Con người trên những bức hình ấy rất xinh đẹp dưới mọi concept, mọi layout makeup, mọi khoảnh khắc đời thường. Nhưng dường như đó chỉ là một nửa sự thật. Hôm nay, mình không đề cập về việc photoshop để trở nên hoàn hảo và lung linh hơn. Trong câu chuyện này, mình nhận ra việc mình thích lung linh trên hình không phải vì mình thấy xinh đẹp, yêu và tự tin về bản thân. Mà hồi ấy, mình chỉ có thể cảm thấy được công nhận khi mình được mọi người khen. Mình nghiện những nút like và lượt comment khen ngợi của mọi người, điều đó làm mình cảm thấy có ý nghĩa hơn, giống như mình đang cố gắng trở nên trông thật hoàn hảo để đi ăn xin sự công nhận, ăn xin cảm tình và lời khen của tất cả mọi người ở trên mạng. Đáng buồn thay, đây mới là toàn bộ sự thật. Minh chứng cho nỗi tự ti dai dẳng này là việc mình chưa từng để lộ vết bớt trong bất kỳ bức ảnh selfie nào. Thêm vào đó, những bài đăng ít tương tác thường bị mình xóa bỏ vì cảm giác chán nản. Đặc biệt, dù được hàng trăm lời khen ngợi, chỉ một lời chê cũng đủ khiến mình ám ảnh và tìm cách phản bác. Mình tự ti đến nỗi không thể chịu nổi một lời chê bai của người khác và lo sợ trước cả khi những lời chê bai thực sự xuất hiện.
Những nguồn cảm hứng
Sau này khi trưởng thành, bước ra khỏi vòng tay của gia đình, mình dễ dàng nói chuyện với mẹ hơn. Mình nhớ có lần từng bật khóc, chia sẻ với mẹ về nỗi buồn và sự tự ti của chính mình. Mẹ mình nói rằng: “Trên đời này không có ai hoàn hảo cả. Khi mẹ mang bầu các con, da của mẹ chi chít những vết rạn hằn lại thành những vết sẹo đến bây giờ. Nhưng không vì thế mà mẹ bớt tuyệt vời đi. Giá trị của con là do con quyết định. Khi con biết yêu thương và chấp nhận bản thân mình, khuyết điểm sẽ không còn là khuyết điểm.” Câu nói đó đã khắc sâu vào tâm trí mình, trở thành động lực để mình bắt đầu hành trình tìm lại sự tự tin.
Mình bắt đầu tìm kiếm những câu chuyện truyền cảm hứng từ những người đã vượt qua khó khăn. Một trong những câu chuyện mà mình nhớ nhất là về một người phụ nữ trẻ tên Lizzie Velasquez – người bị gán nhãn cô gái xấu nhất thế giới. Lizzie Velasquez sinh ngày 13/3/1989 tại bang Texas, Mỹ. Bác sĩ chuẩn đoán Lizzie mắc căn bệnh vô cùng hiếm gặp mang tên Marfa, căn bệnh này khiến cơ thể cô mất đi khả năng tích mỡ, khuôn mặt bị biến dạng và mắt trái bị mù vĩnh viễn.
Lizzie cho biết cô đã phải chịu đựng nhiều năm bị bắt nạt vì ngoại hình không giống ai, cô liên tục bị đặt những biệt danh miệt thị ngoại hình như “gầy trơ xương”, “bà già”, “cô gái xấu nhất thế giới” thậm chí là cả “quái vật”.
Sau loạt trò đùa ác ý, Lizzie cho biết cô cảm thấy “không thể nào đau đớn hơn”. Tuy nhiên thay vì buồn chán, cô đã quyết định đứng dậy bảo vệ bản thân.
“Đó là quãng thời gian dài của sự đau khổ, sau đó là cả sự tức giận, mình nghĩ mình cần phải đứng lên giải quyết sự việc này, mình muốn là người nắm quyền quyết định mình là ai trong mắt mọi người.” Lizzie chia sẻ.
Lizzie bắt đầu lên tiếng phản đối những bình luận ác ý, cô đăng video phản hồi về việc bắt nạt lên Youtube. Sau đó, cô bắt đầu nghiên cứu cách trở thành một diễn giả tạo động lực cho những người gặp hoàn cảnh tương tự. Velasquez thông qua TED X Talk đã truyền tải một bài nói chuyện xúc động và tràn đầy cảm hứng về việc cô từ chối để những trải nghiệm bị bắt nạt định nghĩa về bản thân mình. Video này nhanh chóng nổi tiếng và tạo tiếng vang lớn toàn cầu. Cô cũng liên tục đăng tải những hình ảnh tích cực về bản thân và gia đình cũng như bạn bè của cô qua các chuyến thiện nguyện, hoạt động vì cộng đồng.
Ở tuổi 32, Lizzie Velasquez đã đạt được nhiều thành tựu lớn, cô trở thành nhà hoạt động, nhà diễn giả đặt chân đến mọi nơi trên thế giới để kể về câu chuyện của cuộc đời mình. Ngoài ra, cô cũng là một nhà văn, diễn viên phim “Trái tim dũng cảm: Câu chuyện về Lizzie Velasquez.”
“Được là chính bản thân mình chính là điều tốt nhất, mình tin rằng điểm khác biệt sẽ giúp bạn trở nên đặc biệt, và điều đặc biệt ấy sẽ làm nên vẻ đẹp của bạn. Thế giới này cần những cá thể khác biệt, hãy là chính mình. Đó là sự thật, một điều đơn giản và dễ dàng” – Lizzie Velasquez chia sẻ.
Lizzie đã biến những lời chế giễu thành động lực, trở thành một diễn giả truyền cảm hứng và tác giả thành công. Câu chuyện của cô đã tiếp thêm sức mạnh và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho mình. Mình tự hỏi, mình may mắn hơn cô ấy rất nhiều, vậy tại sao mình chưa thể tự tin và yêu thương chính mình?
Nhân duyên đầu tiên trên hành trình đào sâu và tự chữa lành đứa trẻ bên trong
Trong những năm rời khỏi vòng tay mẹ, cuộc đời mình gặp nhiều những biến cố, thử thách. May mắn thay, điều này đã thôi thúc mình quay vào bên trong để chữa lành. Nhân duyên đã dẫn lối cho mình gặp được các vị thầy, các vị chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Mình đã may mắn vỡ ra rất nhiều điều giản dị và sâu sắc khi cẩn thận soi chiếu lại những trải nghiệm trong quá khứ của mình.
Mình bắt đầu nhìn nhận lại quá khứ tự ti của mình bằng một cái nhìn rộng mở hơn và thực sự hoài nghi rằng: “Tại vì có vết bớt nên mình mới tự ti hay tại vì bắt đầu tự ti nên mình mới thấy vết bớt trên mặt là vấn đề?” Nếu như vấn đề thực sự đến từ vết bớt thì lẽ ra thuở bé mình đã không tự tin vào chính mình như thế.
Và “Liệu rằng khi tẩy vết bớt đi thì mình có chắc chắn sẽ tự tin và yêu bản thân hơn?”
Hay dễ hiểu hơn “Khi mình thực sự tự tin và chấp nhận chính mình, mình có còn muốn tiêu diệt vết bớt trên mặt mình nữa không?”
Từ những câu hỏi ấy, mình nhận ra vấn đề thực sự bên trong mình không đến từ vết bớt, nó chỉ là một hoàn cảnh thuận lợi để sự tự ti bên trong mình được bộc lộ ra. Từ đó mình nhận ra rằng sự tự tin không phụ thuộc vào ngoại hình mà là vào cách chúng ta nhìn nhận và đối xử với chính mình. Và mình bắt đầu bước những bước chân đầu tiên trên Hành trình Đánh thức sự tự tin của mình…
(Hết phần 1)