Cholula pyramid – Cholula
Hạ cánh tại sân bay Mexico City, mình tiếp tục thuê xe tự lái. Lần này thì mọi việc suôn sẻ. Và mình cũng phát hiện ra, chiếc thẻ credit card tưởng bị hết hạn hoá ra vẫn bình thường. Vì mình nhìn nhầm con số mà mới sinh chuyện rườm rà đến vậy ở sân bay Merida.
Thủ tục xong xuôi, chúng mình tiến thẳng đến Cholula, nơi tọa lạc Kim tự tháp có khối đế lớn nhất ẩn dưới một ngọn đồi.
Cholula là một thành phố rực rỡ sắc màu. Các ngôi nhà được sơn hồng, tím, vàng, xanh… phối với nhau theo phong cách “color block” vô cùng bắt mắt.
Đại kim tự tháp Cholula có tên gọi gốc là Tepanapa, tự hào có thể tích lớn hơn bất kỳ công trình kiến trúc nhân tạo cổ đại nào khác, bao gồm cả các kim tự tháp Ai Cập. Về mặt phong cách, kim tự tháp là một sự kỳ lạ, gây khó hiểu cho các nhà khảo cổ học cho đến ngày nay bằng cách kết hợp các yếu tố kiến trúc của cả hai nền văn minh Teotihuacan và El Tajin.
Trên đỉnh Kim tự tháp, người Tây Ban Nha đã xây dựng một nhà thờ Thiên chúa giáo. Từ khu vực sân, có thể nhìn thấy hai ngọn núi lửa nổi tiếng nhất của Mexico, ngọn núi lửa chiến binh Popocatépetl và ngọn núi lửa công chúa Iztaccihuatl. Những cái tên được đặt theo truyền thuyết xưa.
Kim tự tháp Cholula chính là một điểm chứa và phát năng lượng khổng lồ. Trong lòng nó có một hệ thống đường hầm chằng chịt, cao thấp đan xen. Một điều cực kỳ thú vị, đó là dù đi sâu trong hầm nhưng không hề bị khó thở. Ngược lại còn rất thoáng khi. Đây là là một minh chứng nữa cho sự phát triển về xây dựng và kiến trúc của những nền văn minh cổ đại. Và nếu có lần sau quay lại, mình chắc chắn sẽ thuê một hướng dẫn viên du lịch.
Pyramid of the Moon, Pyramid of the Sun – Teotihuacan
Sau khi ăn trưa tại một quán ăn nằm trong khu chợ ngay cạnh Cholula, chúng lái xe về hướng thành phố Kim tự tháp Teotihuacan – điểm cuối cùng trong chuyến hành trình, và cũng là điểm đến gây choáng ngợp hơn cả – thành phố của các Vị thần.
Teotihuacan khổng lồ, sừng sững nằm giữa đất trời. Nơi đây là một trong những thành phố lớn đầu tiên của khu vực Tây bán cầu. Và nguồn gốc của nó vẫn còn là một bí ẩn. Khuôn viên rộng 10km2 với quần thể các ngôi đền. Lớn nhất là đền Mặt trời, sau đó là đền Mặt trăng, đền Trái đất và các hành tinh. Đại lô Tử thần từng dài 10 km, ngày nay chỉ còn 4 km. Điều đặc biệt là toàn bộ quần thể này chỉ là nơi tâm linh, đến cả vua chúa cũng không sống ở đây như các di tích khác.
Dù không biết nền văn minh nào là chủ nhân đầu tiên của thành phố đồ sộ này, nhưng những bằng chứng còn sót lại cho thấy ở Teotihuacan hội tụ đủ sự pha trộn giữa các nền văn minh Maya, Mixtec, và Zapotec… Những ngôi đền sừng sững đứng trong thung lũng hàng nghìn năm, xây bằng đá, trát lớp vữa dày 20-30cm, sơn màu đỏ, trang trí xanh vàng, nền sàn màu trắng.
Thành phố cổ đại này có 2 trung tâm năng lượng: Pyramid of the Sun (Kim tự tháp Mặt trời) và Pyramid of the Moon (Kim tự tháp Mặt trăng). Khi đến đây, cũng như các điểm năng lượng trước, mình bắt gặp rất nhiều người có vẻ là các yogi. Họ ngồi thiền theo tư thế hoa sen, mắt nhắm và tay bắt ấn. Còn mình, giữa bầu trời lộng gió này, thực sự chỉ muốn làm một giấc.
Xương rồng Nopal và những người bạn Mexico
Khi mặt trời buông xuống cũng là lúc chúng mình rời khỏi Teotihuacan, lên xe tìm hostel đã book ở ngay gần đó. Khi đến khu vực của hostel, cái bản đồ cứ quay mòng mòng chỉ tứ tung khắp nơi. Mình xuống xe hỏi đường mấy lần. Người dân ở đây hiền lành và rất nhiệt tình, chỉ ngược chỉ xuôi nhưng hơn 30 phút trôi qua mà chúng mình vẫn không tìm ra được khách sạn. Cho đến khi có một người đàn ông, đến giờ mình cũng không nhớ nổi là già hay trẻ, có vẻ biết cái khách sạn có tên là Posada Jade đã đưa chúng mình đến tận cửa.
Check-in xong xuôi chúng mình hỏi bà chủ có quán ăn nào ổn ổn gần đây. Bà chủ nói người nhà đưa chúng mình đến một quán bar có sân thượng lộng gió, nhìn thẳng ra Kim tự tháp Mặt trăng. Quán bar khá vắng vẻ chỉ có vài ba vị khách. Ở đây chúng mình làm quen với một cặp vợ chồng kiến trúc sư và một anh nhạc công. Chúng mình trao đổi địa chỉ facebook. Và cho mình tận bây giờ, thỉnh thoảng mình và những người bạn Mexico vẫn thả like, thả tim qua lại với nhau.
Buổi mình hôm đó, để ăn mừng kết thúc chuyến hành trình một cách suôn sẻ, bình an, chúng mình quyết định liên hoan. Bác đầu bếp có nụ cười hiền hậu giới thiệu một món ăn đặc sản của quán. Món này có bò tái, xương rồng nopal và phô mai dẻo dẻo, dai dai, thơm lừng. Mới đầu khi nghe đến xương rồng mình cũng hơi nghi ngại. Nhưng bác đầu bếp quả quyết về chất lượng món ăn nên chúng mình cũng nhắm mắt ăn liều. Sau này mình mới biết, xương rồng nopal là thực phẩm rất được ưa chuộng ở Mexico vì hương vị và giá trị dinh dưỡng của nó.
Và đương nhiên, trong không khí hân hoan thế này thì phải có chút bia rồi. Giọng hát của anh nhạc công bay bổng trên tiếng ghi-ta bập bùng, gió đêm se se lạnh, dưới bầu trời đầy sao, mồi ngon lại có bạn hiền. Cảm giác lúc ấy chắc kiểu như “top of the world” thôi. Và ngay bên kia đường là Pyramid of the Moon chỉ cách chúng mình một bức tường.
Có một đặc sản ấn tượng khác của Teotihuacan nhưng chúng mình không có cơ hội chiêm ngưỡng. Đó là show trình diễn 3D mapping với tên gọi “Night Experience in Teotihuacan”. Vé vào cửa phải được mua trước. Và sẽ khá khó khăn để tìm thông tin về show này nếu bạn không biết tiếng Tây Ban Nha.
Tạm biệt Mexico và một cái kết có hậu
Buổi sáng ngày cuối cùng ở Mexico, chúng mình thức dậy với bữa ăn vô cùng thịnh soạn của bà chủ phúc hậu. Bà cứ đem ra hết món này đến món khác. Nào bánh mặn, bánh mì, cà phê, bánh ngọt, trái cây… khiến chúng mình no ứ ự. Nhưng bà nói “ăn đi, về là không được ăn nữa đâu”. Chúng mình xúc động trước tấm thịnh tình này mà gói cả 2 chiếc bánh mì có sốt salad thơm lừng mang theo. Và tất nhiên không quên chụp một bức hình kỷ niệm trong khu vườn ngập nắng, đầy hoa hồng và những chiếc mền trắng phau.
Rời khỏi khách sạn, chúng mình đi về hướng sân bay, và quyết định ghé vào trung tâm Mexico City. Khi ấy là đầu tháng 12, không khí Giáng sinh đã rất rộn ràng. Quảng trường khu vực Nhà thờ Chính toà được trang hoàng với cây thông noel khổng lồ và những hoạ tiết lấp lánh. Quảng trường hình chữ nhật, bao quanh là các con đường tấp nập xe cộ và người đi mua sắm. Một cảm giác muốn được sum họp bỗng len lỏi giữa cái tiết trời se se lạnh, du dương những khúc nhạc Giáng sinh.
Và để có một cái kết đẹp, viên mãn nhất, câu chuyện về hành trình ở Mexico của mình sẽ dừng ở đây. Bởi sau khi đến sân bay sẽ là một chuỗi các câu chuyện drama khác khiến mình được nếm trải đủ các cung bậc cảm xúc lên xuống như biểu đồ chứng khoán. Chuyện dài và kịch tính như vậy nên mình sẽ để dành cho một bài viết khác. Có lẽ là một bài chia sẻ về kinh nghiệm khi thất lạc hành lý ở sân bay chẳng hạn.
Còn bây giờ thì… tạm biệt Mexico với những nền văn minh rực rỡ và nguồn năng lượng chiến binh dũng mãnh!