Các lỗ hổng trong tư duy khiến bạn làm việc kém hiệu quả

Trong công việc và cuộc sống, rất nhiều người thường vô tình mắc phải những lỗ hổng tư duy tương tự, khiến hiệu suất làm việc giảm sút đáng kể. Hãy cùng tìm hiểu về những lỗ hổng phổ biến nhất và cách khắc phục chúng.

Năm 2007, Starbucks – đế chế cà phê toàn cầu đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn. Cổ phiếu sụt giảm 42%, doanh thu đi xuống, và điều đáng nói – đây không phải hậu quả của việc làm ít đi, mà ngược lại, là kết quả của việc muốn làm quá nhiều cùng lúc.

Trong giai đoạn 2000-2007, Starbucks mở rộng với tốc độ chóng mặt – từ 3,501 cửa hàng lên đến 15,011 cửa hàng. Khi Howard Schultz quay trở lại vị trí CEO vào năm 2008, ông đã nhận ra: Không phải việc thiếu tham vọng hay nỗ lực, mà chính tư duy “càng nhiều càng tốt” đã khiến công ty đi chệch hướng. Việc theo đuổi quá nhiều mục tiêu cùng lúc đã khiến hiệu quả công việc giảm sút nghiêm trọng.

Câu chuyện của Starbucks không phải là trường hợp cá biệt. Trong công việc và cuộc sống, rất nhiều người – đặc biệt là những người có kinh nghiệm – vẫn thường vô tình mắc phải những lỗ hổng tư duy tương tự, khiến hiệu suất làm việc giảm sút đáng kể. Hãy cùng tìm hiểu về những lỗ hổng phổ biến nhất và cách khắc phục chúng.

Nguồn: Freepik

Đặt nhiều mục tiêu cùng lúc – Kẻ thù số một của sự tập trung

Bạn có biết, bộ não của chúng ta không thực sự được thiết kế để làm nhiều việc cùng lúc? Nghiên cứu từ Đại học Stanford cho thấy những người thường xuyên đa nhiệm gặp khó khăn đáng kể trong việc tập trung, lọc thông tin và chuyển đổi giữa các nhiệm vụ so với những người tập trung làm từng việc một. Họ không chỉ mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành công việc mà còn dễ bị phân tâm bởi những thông tin không liên quan. Khi đặt ra quá nhiều mục tiêu, chúng ta thường gặp phải những vấn đề dưới đây:

(1) Tâm sức bị phân tán, không thực sự viên mãn trong bất kỳ mục tiêu nào: Công sức của bạn có thể chia ra cho nhiều việc cùng lúc trong ngày, nhưng tâm sức thì chỉ luôn dành cho một thứ. Ví dụ, khi bạn đang tập thể dục để giảm cân nhưng không thể ngừng suy nghĩ về dự án cần phải hoàn thiện vào ngày hôm sau. Đó là biểu hiện của việc tâm sức bạn sẽ tốn rất nhiều cho mỗi vấn đề cho đến khi được thoả mãn, hoặc đến khi bạn từ bỏ.

(2) Khó xác định được ưu tiên thực sự: Bởi vì tâm sức không thể phân tán, ta chỉ có thể thực sự giải quyết từng vấn đề một cho đến khi nó được kết thúc hoàn toàn trong tâm trí. Khi có quá nhiều mục tiêu cùng lúc, bạn sẽ khó phân định được đâu là mục tiêu quan trọng và mấu chốt nhất để ưu tiên xử lý trước. Thay vào đó bạn thấy mục tiêu nào cũng cần thiết và nên làm, và đương nhiên sẽ khó có được hiệu quả thực sự.

(3) Lượng việc vượt quá khối lượng ước tính: Muốn đạt nhiều mục tiêu cùng lúc chính là bạn đang không hiểu được bản chất thực sự của mỗi mục tiêu. Sự thật là trong rất nhiều mục tiêu khác nhau thì luôn sẽ có mục tiêu dùng để giải quyết vấn đề thực sự cấp thiết và có những mục tiêu chỉ nên bắt đầu sau khi một số mục tiêu khác đã được hoàn thành nhất. Khi bạn muốn hoàn thành nhiều mục tiêu cùng lúc, chắc chắn sẽ có nhiều tác vụ chồng chéo lên nhau. Điều này chắc chắn gây vấn đề phát sinh liên tục phải xử lý và gia tăng khối lượng công việc so với lượng việc thực sự cần phải làm. Đôi khi, bạn còn có thể bị mất phương hướng khi có các biến số phát sinh trong quá trình làm việc.

Nguồn: Freepik

Đặt mục tiêu quá cao – Cái bẫy của sự hoàn hảo

Một trong các tư duy rất phổ biến khi làm việc là đặt “mục tiêu rướn” giúp tăng động lực vượt lên khỏi giới hạn. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Edwin Locke và Gary Latham, mục tiêu thách thức chỉ thực sự hiệu quả khi người thực hiện tin vào khả năng đạt được mục tiêu đó. Điều này giải thích vì sao có người càng đặt mục tiêu cao càng thành công, trong khi người khác lại càng thêm stress và nản lòng.

Nếu mục tiêu được đặt quá cao mà thiếu đi niềm tin này, nó sẽ tạo ra các vấn đề sau:

(1) Tự hạ thấp năng lực của chính mình trong tinh thần: Tiêu chuẩn quá cao hoặc mục tiêu phi thực tế thường phát sinh nhiều rào cản, thách thức. Mỗi khi không đạt được mục tiêu hoặc gặp khó khăn, chúng ta thường tự đổ lỗi cho bản thân và cảm thấy mình không đủ giỏi. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn của sự tự nghi ngờ và thiếu tự tin. Đôi khi ta không đổ lỗi cho chính mình nhưng sẽ đổ lỗi cho người khác, hoàn cảnh khác, thì bên trong mình vẫn không mạnh mẽ hơn mà đang càng yếu đi và gây ra những nỗi sợ ngầm về sự việc tương tự có thể xảy ra tiếp tục trong tương lai.

(2) Làm chậm tiến độ công việc: Việc liên tục điều chỉnh và hoàn thiện những chi tiết nhỏ nhặt không chỉ tốn thời gian mà còn làm chậm quá trình phát triển và học hỏi. Thay vì tập trung vào việc đưa ra kết quả và nhận phản hồi thực tế để nhanh chóng thử sai, ta mắc kẹt trong vòng lặp của sự hoàn thiện vô tận. Khả năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường cũng sụt giảm, “sự hoàn hảo” không đáp ứng được nhu cầu thực tế như kỳ vọng.

(3) Giảm rung động tâm thức: Khi chọn mục tiêu quá khó, chính cảm giác khó khăn sẽ tạo ra tâm lý tiêu cực và giảm niềm tin vào khả năng thành công. Cảm giác này có thể hiện ra rõ ràng hoặc tồn tại trong tiềm thức, nhưng đều ảnh hưởng sâu sắc đến trạng thái tinh thần và tạo ra các rung động tiêu cực. Các rung động này sẽ cộng hưởng trực tiếp với năng lượng của vật chất và tâm thức xung quanh bạn và tạo ra kết quả tương ứng với rung động đó. Vì vậy, nếu chỉ có mục tiêu cao mà không đi kèm trạng thái thoải mái và niềm tin “mình có thể làm được”, thì càng cố gắng, kết quả càng có thể đi ngược với mong đợi.

Nếu chỉ có mục tiêu cao mà không đi kèm trạng thái thoải mái và niềm tin “mình có thể làm được”, thì càng cố gắng, kết quả càng có thể đi ngược với mong đợi.

Ảo giác về kiểm soát

Chúng ta thường được trả lương để kiểm soát công việc. Nhưng nghịch lý là không ai có thể thực sự kiểm soát được bất kỳ việc gì. Nếu càng làm việc mà càng tin rằng có thể kiểm soát kết quả công việc theo ý mình, bạn chắc chắn sẽ rơi vào bẫy tư duy đang ngầm gây áp lực và stress.

(1) Tạo ra lo âu dư thừa: Cố gắng kiểm soát mọi thứ tạo ra một gánh nặng tâm lý lớn. Não bộ liên tục phải xử lý và dự đoán các tình huống có thể xảy ra, dẫn đến tình trạng căng thẳng thường xuyên. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn làm giảm khả năng ra quyết định hiệu quả.

(2) Ảnh hưởng đến mối quan hệ với đồng nghiệp: Khi bạn càng kiểm soát công việc của chính mình, bạn càng tin chắc rằng người khác sẽ kiểm soát được công việc của họ. Xu hướng kiểm soát thường dẫn đến việc can thiệp quá mức vào công việc của người khác, tạo ra không khí làm việc căng thẳng và thiếu tin tưởng. Không có sự thông cảm giữa những người làm việc cùng nhau, mà chỉ có sự kỳ vọng ở lại và phá huỷ nền tảng của sự hợp tác – niềm tin và động lực.

(3) Kỳ vọng và sợ hãi: Nhầm lẫn về khả năng kiểm soát là nguyên nhân liên tục gây ra các kỳ vọng bên trong bạn. Kể cả khi bạn đang có kết quả tốt, bạn vẫn sẽ kỳ vọng mục tiêu mới cao hơn hoặc giữ được thành công đang có. Các kỳ vọng ngầm này liên tục làm cho bạn không hài lòng với hiện tại và tạo ra hàng loạt nỗi sợ trong tâm thức, vì thực tế mọi việc xảy ra không phụ thuộc vào kỳ vọng của bạn nên bất kỳ lúc nào cũng có thể có sự việc nào đó trái với kỳ vọng xảy ra.

Nếu càng làm việc mà càng tin rằng có thể kiểm soát kết quả công việc theo ý mình, bạn chắc chắn sẽ rơi vào bẫy tư duy đang ngầm gây áp lực và stress.

Thiếu kiên nhẫn với quá trình

Câu chuyện của Nguyễn Hà Đông – cha đẻ Flappy Bird là một ví dụ điển hình về giá trị của sự kiên nhẫn trong thành công. Trước khi Flappy Bird trở thành hiện tượng toàn cầu với 50 triệu lượt tải và doanh thu 50.000 USD mỗi ngày, ít ai biết rằng đây là kết quả của một hành trình dài. Hà Đông đã bắt đầu con đường lập trình từ năm 2006 và âm thầm phát triển khoảng 10 game khác nhưng không mấy thành công. Anh vẫn kiên trì làm game như một đam mê trong thời gian rảnh, liên tục học hỏi và cải thiện kỹ năng. Khi Flappy Bird ra mắt vào tháng 5/2013, phải mất gần 9 tháng game mới thực sự “bùng nổ”.

Tuy nhiên, xu hướng tôn vinh những “thành công chớp nhoáng” trên mạng xã hội đang khiến chúng ta không trân trọng quá trình làm việc & trở nên thiếu kiên nhẫn. Bên trong ta luôn có thôi thúc phải nhanh chóng có được kết quả lớn bằng cách đầu tư tài chính, bất động sản, hoặc buôn bán kinh doanh sinh lời nhanh. Tuy nhiên thói quen này lại là mầm mống lớn nhất dẫn đến sự thất bại và đau khổ.

Thói quen tôn vinh những “thành công chớp nhoáng” trên mạng xã hội là mầm mống lớn nhất dẫn đến sự thất bại và đau khổ.

(1) Đánh mất nền tảng thực sự của bản lĩnh và hành trình

Chúng ta bỏ qua việc xây dựng các kỹ năng nền tảng, tích lũy kinh nghiệm và học hỏi từ thất bại. Những điều này mới chính là yếu tố giúp ta phát triển bền vững và có khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh. Thiếu kiên nhẫn khiến ta chỉ nhìn thấy đích đến mà quên mất giá trị của hành trình – nơi ta thực sự trưởng thành, hoàn thiện bản thân và trao truyền lại được cho người khác.

(2) Đặt trọn hạnh phúc trong công việc vào kết quả

Khi gắn chặt cảm xúc và giá trị bản thân vào kết quả cuối cùng, ta đang đánh cược hạnh phúc của mình vào những điều không chắc chắn. Thành công hay thất bại đều có xác suất ngang nhau, và việc quá tập trung vào kết quả khiến ta bỏ qua niềm vui trong quá trình học hỏi, sáng tạo và vượt qua thử thách.

(3) Né tránh các khó khăn

Tâm lý muốn thành công nhanh chóng là biểu hiện của sự tránh né những thách thức và khó khăn trong công việc. Ta thường tìm kiếm những con đường tắt, những giải pháp dễ dàng mà không nhận ra rằng chính những khó khăn và thử thách mới là cơ hội để ta phát triển và trưởng thành.

(4) Không có lợi thế cạnh tranh thực sự

Khi thiếu kiên nhẫn xây dựng nền tảng vững chắc, ta sẽ không có được những kỹ năng và kinh nghiệm độc đáo tạo nên lợi thế cạnh tranh của mình. Trong khi người khác dành thời gian để nghiên cứu sâu và phát triển chuyên môn, ta chỉ học hời hợt và tìm kiếm kết quả nhanh chóng.

GIẢI PHÁP ĐỂ TỐI ƯU HIỆU QUẢ

Từ việc nhận diện các lỗ hổng tư duy trên, câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để phát triển một tư duy lành mạnh, giúp nâng cao hiệu suất làm việc một cách bền vững? Bốn giải pháp sau đây sẽ giúp bạn xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển.

  1. Học cách đặt mục tiêu “khó mà đúng” nhưng thực hiện theo cách “dễ là đúng”.

Bạn đã bao giờ thắc mắc vì sao các ứng dụng học ngoại ngữ lại chia nhỏ bài học thành từng phần ngắn? Đó chính là ứng dụng của “Nguyên lý tiến bộ” (The Progress Principle). Nghiên cứu từ Harvard Business School cho thấy, việc đạt được những mục tiêu nhỏ hàng ngày tạo ra cảm xúc tích cực và động lực mạnh mẽ hơn cả việc hoàn thành một mục tiêu lớn. Mỗi bước tiến, dù nhỏ, đều giúp duy trì sự hứng khởi và thúc đẩy chúng ta tiếp tục hành động.

Sự kết hợp giữa thách thức đủ lớn để tạo động lực và các bước đi nhỏ đủ khả thi để duy trì động lực mới là chìa khóa của sự phát triển bền vững. Đây chính là cốt lõi của nguyên tắc “khó mà đúng, dễ là đúng”.

Hãy học cách đặt mục tiêu “khó mà đúng” nhưng thực hiện theo cách “dễ là đúng”
  1. Hài lòng và bình an với cái đang làm trước khi rướn đến mục tiêu cao hơn.

Mối liên hệ giữa trạng thái tinh thần và kết quả công việc sâu sắc hơn nhiều so với chúng ta thường nghĩ. Trạng thái tinh thần của chúng ta tạo ra những rung động năng lượng tương ứng, từ đó thu hút những kết quả cùng tần số. Khi học cách chấp nhận cả những kết quả không như ý, ta giảm thiểu nỗi sợ thất bại, tạo không gian cho những thành công mới. Điều này không có nghĩa là từ bỏ tham vọng phát triển, mà ngược lại, sự hài lòng với hiện tại chính là nền tảng tâm lý vững chắc để tiến về phía trước.

  1. Chấp nhận rằng không phải mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát, chuyển hoá những kỳ vọng sai lầm bên trong.

Thực tế, mọi kết quả đều là tổng hòa của nhiều yếu tố khách quan, vượt xa tầm kiểm soát của một cá nhân. Càng cố gắng kiểm soát mọi thứ, càng tạo ra stress không cần thiết và hạn chế khả năng sáng tạo. Việc chấp nhận điều này không phải là buông xuôi, mà giúp chúng ta có trạng thái tình thần tốt nhất để đưa ra những quyết định sáng suốt hơn. Khi học được cách chấp nhận “không kiểm soát”, nhiều giá trị tích cực sẽ tự nhiên xuất hiện và căng thẳng, lo âu sẽ giảm đi.

  1. Kiên nhẫn với quá trình và học hỏi từ thất bại, tích luỹ giá trị thực sự từ mọi loại kết quả đã xảy ra.

Cuối cùng, yếu tố then chốt trong việc phát triển bền vững chính là khả năng kiên nhẫn và học hỏi từ mọi trải nghiệm. Nghiên cứu của Carol Dweck về Growth Mindset (tư duy phát triển) chỉ ra rằng những người có khả năng học hỏi từ cả thành công lẫn thất bại thường có xu hướng kiên trì hơn trước thách thức và liên tục cải thiện bản thân. Họ tin rằng khả năng là thứ có thể phát triển qua thời gian, thay vì bị giới hạn bởi năng lực sẵn có.

Thay vì đặt nặng kết quả cuối cùng, việc tập trung vào giá trị tích lũy được qua mỗi trải nghiệm giúp xây dựng một nền tảng kiến thức và kỹ năng vững chắc, tạo lợi thế cạnh tranh dài hạn trong sự nghiệp.

Nguồn: Freepik

KẾT LUẬN

Trong thời đại số hóa với áp lực thành công nhanh chóng, việc phát triển một tư duy lành mạnh và cân bằng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Bằng cách kết hợp các nguyên tắc trên – từ việc cân bằng thách thức và khả năng, duy trì trạng thái tinh thần tích cực, chấp nhận những điều không thể kiểm soát, đến kiên nhẫn học hỏi từ mọi trải nghiệm – chúng ta không chỉ nâng cao hiệu suất làm việc mà còn tìm thấy ý nghĩa và niềm vui thực sự trong hành trình phát triển của mình.

Hãy bắt đầu bằng việc chọn MỘT lỗ hổng tư duy bạn muốn cải thiện nhất. Trong 30 ngày tới, tập trung vào việc nhận diện khi nào lỗ hổng này xuất hiện và áp dụng các giải pháp đã đề cập. Ghi chép lại tiến trình của bạn mỗi ngày, dù chỉ là những thay đổi nhỏ. Sau 30 ngày, bạn sẽ ngạc nhiên về sự chuyển biến trong cách tư duy và hiệu quả công việc của mình.

Được đọc nhiều nhất

Bình chọn

xuất hiện trên 360° Emotions số tiếp theo

Đăng nhập

Kết nối, thảo luận và tương tác nhiều hơn

[nextend_social_login]

Bạn chưa có tài khoản? ĐĂNG KÝ

Đăng ký

Sử dụng tài khoản Google của bạn để truy cập ngay – an toàn và tiện lợi

[nextend_social_login]

hoặc hoàn thành biểu mẫu sau

Bạn đã có tài khoản? ĐĂNG NHẬP