Sau này mình mới nhận ra rằng, trong những năm tháng chật vật, tự ti với vết bớt trên gương mặt, vấn đề lớn nhất của mình là mình chưa từng nhận thức được: “Mình đang tự ti.”
Suốt nhiều năm mình chỉ thấy vết bớt là thứ phải che đi, phải giấu như thể lẽ thường là như vậy. Khi nhìn vào gương, mình chỉ nghĩ rằng mình ghét nó vì nó xấu xí. Khi xấu hổ, mình chỉ không muốn ai nhìn thấy nó, rồi mình lao đi và tìm cách, tìm biện pháp che đi vết bớt xanh trên gương mặt mình một cách hoàn hảo nhất.
Và rồi mình đã tự biết dùng che khuyết điểm để che đi vết bớt một cách thành thạo nhưng vì sao tâm lý lo âu ấy vẫn trồi lên, sụt xuống bên trong mình?
Đó là vì mình vẫn không ngừng phán xét vết bớt, phán xét chính mình. Từ những điểm nhỏ nhất như những nốt mụn nhỏ trên mặt, từng lỗ chân lông đến những đặc điểm rõ hơn như làn da chưa hoàn hảo, dáng vóc chưa săn chắc. Mình từ chối những đặc điểm trên cơ thể mà mình cho là khuyết điểm nhiều đến mức mình không thể ngắm nhìn bản thân một cách trọn vẹn. Mỗi lần nhìn vào gương là mỗi lần nhìn vào những khuyết điểm và cảm giác không đủ, không hài lòng.
Có lẽ mọi người thường nghĩ các hotgirl hay KOL thường sẽ rất tự tin, nhất là tự tin về ngoại hình có vẻ nổi bật của họ trong đám đông. Nhưng theo trải nghiệm cá nhân của mình thì không phải như vậy. Mình và những influencer mà mình từng tiếp xúc chỉ “trông có vẻ tự tin” chứ không hoàn toàn tự tin. Mọi người đều theo đuổi một thứ gì đó hoàn hảo, toàn mỹ. Nhưng thứ hoàn hảo ở đâu đó khác hiện thực này, liệu có thật sự tồn tại trên đời? Trên đời có tồn tại một ai đó trông thật hoàn hảo trong mắt tất cả mọi người không? Nhưng tại sao mình và phần lớn mọi người vẫn chạy theo một hình tượng hoàn hảo phi thực thế ấy?
Chạy theo những niềm tin mơ hồ
Nhờ những băn khoăn ấy, đôi khi mình nhận ra điểm vô lý trong thứ mình đang cố chấp theo đuổi nhưng rồi lại gạt đi vì mình có thói quen dễ dàng chạy theo niềm tin vô thức, niềm tin từ số đông. Mình quá tin rằng phải có vẻ ngoài xinh đẹp thì mình mới nổi bật hơn, dễ được mọi người yêu quý hơn, có giá trị hơn và nhiều cơ hội hơn. Mình quá tin rằng khi mình xinh đẹp một cách thật hoàn hảo thì sẽ không có ai phán xét hay chỉ trích, có thái độ từ chối với mình. Mình quá tin rằng vết bớt là thứ ngăn trở mình có một vẻ ngoài hoàn hảo. Quá tin rằng nếu vết bớt nằm ở đó thì mình sẽ rất tự ti mà không hiểu bản chất vì sao lại như vậy. Vì vậy mình cứ mãi cố hết sức để che giấu vết bớt sao cho hoàn hảo để rồi vẫn lo lắng sợ lộ. Mà mình không đủ khôn ngoan để nhận ra vấn đề thực sự đến từ gốc rễ. Những cảm xúc tiêu cực như chán nản, lo lắng, tự ti, không hài lòng đến từ những niềm tin thường thấy ở số đông mọi người mà mình chủ quan chưa kiểm tra về độ đúng đắn của nó. Mình cứ mặc nhiên điều đa số mọi người tin là một sự thật, một chân lí và đã khổ tâm rất nhiều khi tin vào một thứ đầy mơ hồ. Và vì vậy dù mình rất muốn bản thân xinh đẹp hơn, tự tin hơn, cố hết sức trau chuốt hay tô điểm cho vẻ ngoài và thể hiện ra bên ngoài như thể mình đã có sự tự tin ấy rồi, thì bên trong mình vẫn rõ ràng một điều: “Mình không hề tự tin.”
Cho đến khi mình trải qua những thăng trầm, những biến cố của cuộc đời và may mắn, mình đủ cơ duyên gặp được người Thầy trí tuệ, những chuyên gia, những anh chị với lối tư duy, lối sống và nội tâm sâu sắc, thậm chí là đi ngược số đông, ngược với những niềm tin và cách nghĩ thông thường của đa số mọi người. Mình được học hỏi và phát triển trong môi trường ấy, tiếp xúc với lối tư duy mới và soi chiếu lại những trải nghiệm của mình trong quá khứ đã giúp mình vỡ ra bên trong rất nhiều vấn đề, có thêm những nhận thức mới. Mình dần ý thức sâu sắc những vấn đề của bản thân nằm ẩn dưới lớp vỏ vết bớt và dần định hình những quan điểm riêng của cá nhân mình, những góc nhìn mới đem lại cho mình sự rộng mở hơn trong tâm thức.
Những nhận thức mới trên hành trình
Nếu trước kia mình nghĩ rằng xinh đẹp có một quy chuẩn ngầm nhất định, là những xu hướng của thời đại mà số đông tôn vinh. Hay là nhìn vào một người đẹp thì đa số mọi người sẽ thấy cô gái ấy đẹp. Mình từng tin người đẹp là người sẽ rất thu hút trong mắt tất cả mọi người. Còn giờ mình nói rằng, mỗi người có một định nghĩa và hình dung khác nhau về vẻ đẹp. Thậm chí, những định nghĩa về vẻ đẹp của một cá nhân nào đó không cố định mà còn thay đổi do suy nghĩ và niềm tin của chúng ta luôn thay đổi. Không có quy chuẩn nào chung cho vẻ đẹp cả. Vì vậy, vấn đề không phải bạn đẹp hay bạn xấu, mà là bạn đẹp ở trong mắt ai? Vậy bạn muốn mình đẹp xuất sắc trong mắt tất cả mọi người hay là đẹp xuất sắc trong mắt chính mình? Góc nhìn nào có thể mang lại cho bạn hạnh phúc và sự tự tin thật sự đây?
Nếu trước kia mình tin rằng cho đến khi nào mình phải thật hoàn hảo thì mình mới có thể trở nên tự tin được. Hoàn hảo ở đây là cơ thể thon gọn chuẩn mẫu, làn da trắng mịn không khuyết điểm, gương mặt thanh tú với các đường nét hài hoà một cách rất riêng, gu thời trang thật tinh tế, nội tâm sâu sắc, học rộng hiểu nhiều… Và mình thật sự ép mình đến sức cùng lực kiệt mà chỉ càng ngày càng tự ti về bản thân, đôi khi là tự trách chính mình khi không đạt được những tiêu chuẩn phi thực tế của bản thân. Giờ mình nhận ra người xinh đẹp chưa chắc đã tự tin, nhưng người tự tin chắc chắn sẽ xinh đẹp. Việc bạn cố gắng để hoàn hảo 100% cũng không liên quan gì đến tâm lý tự ti hay trạng thái tự tin chưa kể điều đó là bất khả thi. Nhưng khi mình biết cách rèn luyện và xây dựng sự tự tin sẵn có bên trong, khi đó bạn sẽ cảm nhận được sự xinh đẹp, nét cuốn hút rất riêng của mình.
Nếu trước kia mình hoàn toàn tin rằng việc có vẻ ngoài xinh đẹp sẽ được mọi người yêu thương hơn. Thì bây giờ mình nghĩ rằng điều đó chắc gì đã đúng? Xinh đẹp thì chắc gì đã được yêu thương hơn? Các bạn biết diễn viên Hollywood – Anne Hathaway chứ?
Xinh đẹp một cách hoàn hảo không tì vết, tài năng diễn xuất không ai có thể phủ nhận, nữ hoàng phòng vé, một đại minh tinh chính hiệu. Người ta ước tính tổng cộng 23 bộ phim của Anne Hathaway đã thu về hơn 5 tỷ USD, giúp cô lọt vào danh sách Top 100 diễn viên đem về doanh thu cao nhất mọi thời đại. Cô tích cực tham gia vào những hoạt động xã hội và có những thành tựu to lớn trong công cuộc cống hiến xã hội, đầu tư cho sự nghiệp đòi quyền bình đẳng cho nữ giới và cộng đồng LGBT. Chưa kể đến lối sống và cách hành xử của cô luôn khiêm nhường và nhã nhặn. Là một biểu tượng cho sự hoàn mỹ, ai nghĩ được Anne Hathaway lại trở thành “Người phụ nữ bị ghét nhất nước Mỹ”.
Sau thành công của Nhật ký công chúa và Yêu nữ thích hàng hiệu, Anne Hathaway nhanh chóng trở thành một trong những nữ diễn viên được yêu thích nhất Hollywood giai đoạn đầu 2000.
Tuy nhiên, khi được trao tượng vàng Oscar nhờ tác phẩm Les Miserables, cô lại bắt đầu hứng chịu hàng loạt chỉ trích từ người hâm mộ. Thái độ xúc động, rơi nước mắt trong bài phát biểu nhận giải khiến Hathaway bị chê giả tạo. Từ đó, hashtag #HathaHate ra đời, khiến cô nhanh chóng trở thành “Người phụ nữ bị ghét nhất nước Mỹ”.
Hồi 2013, New York Times gây xôn xao khi xuất bản bài viết lý giải về làn sóng thù ghét Anne Hathaway. Trong bài viết, nhóm anti-fan thừa nhận “không thể chịu nổi sự hoàn hảo” của cô.
“Một diễn viên bình thường sao có thể hấp dẫn, thành công và được yêu mến đến vậy? Tất cả chỉ là toan tính tồi tệ!”, một người ghét Hathaway khẳng định.
Việc bạn được yêu hay bị ghét hoàn toàn không liên quan đến vẻ ngoài của bạn đẹp xấu ra sao, càng không liên quan đến mức độ hoàn hảo của bạn. Mình không phủ nhận thậm chí rất ủng hộ việc trở nên xinh đẹp hơn mỗi ngày, nhưng mình đã nhận ra tin rằng cứ xinh đẹp thì sẽ được yêu thương hơn là sai lầm. Và chạy theo những niềm tin sai lầm ấy sẽ khiến chúng ta chỉ thêm đau khổ và bất như ý.
Đây chỉ là một vài những quan điểm trong rất nhiều những điều mình đã vỡ ra và đúc kết được trên hành trình Yêu những điều không hoàn hảo của chính mình. Mình điểm qua để mọi người cảm nhận được và trả lời câu hỏi mà ở phần 1 mình đã tự đặt ra cho bản thân: “Là bởi vì có vết bớt trên mặt nên mình mới tự ti, hay bởi vì từ khi mình bắt đầu tự ti về bản thân thì vết bớt mới trở thành vấn đề?”
Những điều mình thực hành trên hành trình Đánh thức sự tự tin:
Nhận thức mới hay chỉ suy ngẫm sâu sắc về những trải nghiệm của bản thân là chưa đủ. Điều đó sẽ giúp ích gì cho mình nếu như không vận dụng vào đời sống? Điều quan trọng mình cần làm là biến những gì mình đã học được, đã hiểu được và tin tưởng trở thành những kinh nghiệm và lối sống của mình. Vậy mình đã thực hành như thế nào để rèn luyện sự tự tin sẵn có bên trong mình?
Trải qua những lần dũng cảm đối diện và kiên nhẫn ôm ấp chính mình bằng những tư duy và thái độ đúng đắn, hiện tại mình đã có thể tự tin bước ra đường mà không cần cố gắng che dấu vết bớt. Mình chấp nhận vết bớt như một phần đặc biệt của bản thân, một dấu ấn độc đáo mà chỉ mình mình có. Mình hài lòng với ngoại hình và giá trị của mình. Quan trọng hơn cả, mình đã học cách yêu chính mình và hạnh phúc khi được là chính mình. Mình đã rũ bỏ gánh nặng của việc phải che giấu hay cố tỏ ra hoàn hảo. Hành trình ấy không dài cũng không ngắn, đòi hỏi sự dũng cảm và kiên nhẫn nhất định với bản thân, mình sẽ chia sẻ lại với mọi người một số điều mà mình đã làm để có thể từ tự ti trở nên tự tin và chấp nhận bản thân như hiện tại.
1. Nhận ra những lần mình tiêu cực với bản thân và chuyển hoá những cảm xúc, cách nhìn tiêu cực ấy
Đây là điều rất quan trọng, là nền tảng để bạn có thể trở nên tự tin hơn. Mọi thể hiện bề ngoài dù thoạt trông có vẻ tự tin đến mấy cũng chỉ là vỏ bọc nếu bạn vẫn không ngừng chê bai và phán xét chính mình. Điều này đòi hỏi bạn phải học cách tinh tế hơn trong việc quan sát những thói quen suy nghĩ, cảm xúc và hành xử của mình trong ngày thường. Phần lớn mọi người chê bai và từ chối những biểu hiện tự nhiên của mình nhiều đến mức không nhận ra và gọi tên được cảm xúc hay suy nghĩ đó là một dạng suy nghĩ phán xét đối với bản thân.
“Dạo này mặt mình mụn trông ghê quá!”
“Mình béo nên không được mặc đồ sáng màu!”
“Da mình cứ đen đen sao ấy!”
Trong trường hợp của mình là thấy vết bớt xấu xí, là một thứ đương nhiên mình phải che đi, giấu đi và có cảm xúc khó chịu hoặc không hài lòng khi nhìn vào nó.
Khi bạn nhận ra mình đang thường xuyên đánh giá tiêu cực về bản thân cũng là lúc bạn đang dần thoát ra khỏi vũng lầy của tâm trí. Vì không ai muốn sống trong trạng thái đánh giá thấp chính mình trừ phi không biết. Khi nhận ra mình thường xuyên đánh giá thấp bản thân, bạn sẽ có động lực muốn thay đổi.
2. Nâng cao sự tự nhận thức về bản thân
Nói đơn giản là hiểu mình. Bạn tập hiểu mình bằng cách thường xuyên dành ra cho mình những khoảng thời gian để trò chuyện với chính mình, bắt đầu bằng việc viết nhật ký và đặt ra những câu hỏi cho bản thân.
Mục đích để ta hiểu rõ nhất những điểm tốt, chấp nhận những điểm chưa tốt, thấu hiểu cảm xúc và động cơ, tiếng nói bên trong của bạn, trân trọng giá trị bản thân. Đôi khi chúng ta cần cả sự khẳng định từ phía bên ngoài (những người đáng tin cậy), nhưng quan trọng nhất chính là sự khẳng định từ chính bản thân mình. Học cách dành thời gian làm bạn với chính mình, viết ra và suy nghĩ về những gì đang thực sự diễn ra trong đầu và trái tim mình, sẽ khiến bạn hiểu mình hơn mà không cần ai đó làm công tác tư tưởng hộ cho mình.
“Sự can đảm nghĩa là dám chấp nhận chính bản thân mình, ngay cả khi có những điều mà ta tưởng chừng như không thể chấp nhận được.” – Paul Tillich
Để hiểu mình sâu sắc và có một sự nhìn nhận khách quan nhất trên hành trình này, mình đã học và thực hành bộ môn Tâm lý học Quốc dân WECAP, gọi là “Quốc dân” vì nó dễ hiểu, dễ nhớ và dễ áp dụng đối với tất cả mọi người chứ không còn là bộ môn của riêng những nhà Tâm lý học. WECAP giúp mình hiểu rõ chính mình và khám phá ra xu hướng cá nhân, thấy được mặt sáng/ mặt tối, điểm mạnh/ điểm yếu của từng xu hướng từ đó phát triển tiềm năng của mình một cách nhẹ nhàng nhất, phù hợp nhất.
3. Dừng trò chơi so sánh
Xã hội hiện đại với mạng xã hội phát triển và những hình tượng hoàn hảo được xây dựng, đám đông chạy theo chủ nghĩa hoàn hảo khiến ta dễ dàng so sánh mình với bất cứ ai đó ở trên mạng, và ngay lập tức cảm thấy tự ti. Mình hiểu cảm giác đó sâu sắc vì mình cũng từng như vậy. Vậy nên, một điều quan trọng không kém trên hành trình tự tin là các bạn hãy Dừng Trò Chơi So Sánh để bảo vệ trường năng lượng của bản thân.
Mỗi người chúng ta đều đang đi trên một hành trình duy nhất của riêng mình, có lịch sử cá nhân, có dòng chảy, có trải nghiệm không ai giống nhau, họ có những vấn đề của riêng họ mà mình không biết. Mình sẽ tập trung vào điều gì đem lại lợi lạc cho mình, mình hiểu rằng không nên so sánh vì mọi sự so sánh đều khập khiễng.
Thay vì so sánh chỉ để khó chịu với chính mình hoặc ghen tị với bất cứ ai, bạn hãy tự hỏi mình: “Mình sẽ học hỏi được gì từ người này?”
Đó là cách thúc đẩy mình học hỏi, hành động để tiến lên. Giúp mình học cách ghi nhận người khác một cách khách quan mà không hạ thấp giá trị của mình.
Dù bản chất tự tin là niềm tin vào bản thân. Tự tin thực sự xuất phát từ thời điểm ta hiểu và chấp nhận bản thân mình. Nhưng thế giới 8 tỷ người là 8 tỷ xu hướng tính cách và trải nghiệm nhận thức khác nhau. Bởi vậy, biểu hiện bên ngoài về sự tự tin của mỗi người là khác nhau. Ta cần học cách tôn vinh sự độc đáo và thể hiện sự tự tin của riêng mình. Và mình mong được chia sẻ cùng các bạn điều này: “Khi bạn kết nối với con người thật của chính mình, bạn có thể khiến con người đó toả sáng.”
4. Luôn biết ơn những gì ta sẵn có
Học cách hài lòng và rèn luyện thói quen biết ơn hàng ngày khiến chúng ta tăng trưởng sự đầy đủ và nuôi dưỡng hạnh phúc, sự tự tin từ bên trong.
Nếu ta chỉ tập trung vào thứ mình không có, không đạt được, thì ta sẽ mãi thấy thiếu thốn. Thậm chí sẽ rơi vào tình trạng tiêu cực. Biết ơn là phương pháp đơn giản và dễ thực hành giúp chúng ta nâng rung động tâm thức, chuyển hoá rung động một cách nhanh chóng.
“Khi bạn học cách nhìn nhận chính mình bằng sự trân trọng và biết ơn những gì vốn có, sự tự tin trong bạn sẽ được nuôi dưỡng.”
Đây cũng chính là phương pháp giúp mình dần dần nhận ra những lợi ích mà vết bớt hay những khuyết điểm khác trên cơ thể đem lại cho mình. Khi biết ơn đủ nhiều, bạn sẽ thấy vẻ đẹp nằm ẩn trong cả những điều không hoàn hảo. Hành trình Yêu những điều không hoàn hảo của mình diễn ra như vậy đấy.
Ai cũng biết tự tin là một trong những phẩm chất quý giá nên có, nhiều người tìm mọi cách để học được cách tự tin. Nhưng đôi khi quên mất nếu học sự tự tin từ bên ngoài, cái bạn học được thường là biểu hiện chứ không phải bản chất. Đừng nhìn mọi thứ một cách bề mặt mà hãy dành thời gian tìm hiểu chính mình như khi bạn trò chuyện với một người bạn mới, biến người bạn mới này thành người bạn thân thiết nhất mà bạn có, rồi sự tự tin sẽ dần đến với bạn. Hành trình này sẽ dài, sẽ không dễ dàng, và không ai giống ai. Nhưng mình chắc chắn, nó sẽ đẹp đẽ và chỉ có duy nhất trên thế gian này như chính bạn vậy.
Yêu quý bạn,
Mia.