Bé Chum và hành trình trở về từ cõi chết

Ngưng tim, ngưng thở kéo dài… tổn thương não nghiêm trọng… tiên lượng xấu, gia đình hãy chuẩn bị sẵn tinh thần…

Đó là trường hợp đuối nước của Chum – con gái chị Hồng Anh. Do ngạt khô, cô bé đã tắt thở, nổi trên mặt nước và chết não 20 phút. Ngày hôm đó đã khởi đầu cho một hành trình phi thường của tình yêu, niềm tin và sự kiên trì – nơi một người mẹ đã làm nên điều kỳ diệu cho con gái mình.

Biến cố đau thương ập tới

Câu chuyện xảy ra ngày mùng 3 tết năm 2022. Lúc đó, Hồng Anh đang ở Hà Nội, còn bé Chum được dì và bà ngoại dẫn đi chơi nhà người quen tại Sài Gòn. Khoảng 8 giờ tối, chị nhận được cuộc gọi từ mẹ với giọng hoảng loạn.

“Con ơi, mẹ không biết nói thế nào. Nhưng mà, con Chum nó…chết đuối rồi… Bây giờ đưa đến bệnh viện nhưng bác sĩ bảo tình trạng quá nặng nên gia đình chuẩn bị tinh thần…”

Bé Chum gặp tai nạn trong hồ bơi. Khi phát hiện, bé đã nổi trên mặt nước, da tím tái. Sau khi ngưng thở 20 phút, bé mới sặc được nước và dị vật trong phổi. Tỉnh lại nhưng mạch đập yếu, khi bé được chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng 1, các bác sĩ đều lắc đầu báo gia đình chuẩn bị sẵn tinh thần.

Bé Chum trước khi gặp tai nạn / Nguồn: Hồng Anh

“Nếu là giai đoạn trước đây, tôi sẽ khóc lóc vật vã và trách mẹ tại sao lại đưa Chum đi Sài Gòn, tại sao lại cho nó xuống hồ bơi, tại sao xuống hồ bơi lại không có ai canh. Thật may mắn, tôi đã không phản ứng như thế. Bên trong tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất là: trong hoàn cảnh này tôi cần làm gì để bình an?”

Hồng Anh kể, lúc đó chị chỉ muốn tập trung quay vào bên trong. Chị hiểu rằng, nếu vội vàng bay vào gặp con, chị sẽ chỉ khiến mọi chuyện tệ đi vì đó là những hành động trong lo lắng, kiểm soát, sợ hãi. “Tâm thế nào thì đời thế ấy, tôi xác quyết rằng hành động và quyết định của mình phải trong trí tuệ và bình an. Có như vậy, tôi mới có thể giúp được cho Chum, cho gia đình và cho cả chính bản thân mình. Tôi sẽ chỉ hành động khi bên trong không còn nhầm lẫn. Nếu bay vào mới đúng đắn thì vũ trụ sẽ ra tín hiệu, buộc tôi phải vào…”

Hôm đó, chị thực hành liên tục đến 4 giờ sáng thì nhận được cuộc gọi từ bệnh viện. Bệnh viện yêu cầu bố hoặc mẹ ruột của bé làm việc trực tiếp do con đang phải vào phòng hồi sức tích cực và tình trạng rất nguy kịch. Lúc này, chị mới đặt vé bay vào Sài Gòn.

heike mintel Os2WMpNWpfM unsplash
Nguồn: Heike Mintel / Unsplash

Đối diện với nỗi sợ

Đến Sài Gòn, Hồng Anh không được gặp Chum do bé đang cách ly trong phòng hồi sức. Bé đang hôn mê sâu, phải thở máy 100%.

Thông thường, thiếu oxy 5 phút sẽ gây phù não, tổn thương không thể hồi phục. Sau 10 phút, tỉ lệ tử vong và di chứng thần kinh nặng nề là 90%1. Sau 15 phút, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng thực vật nếu sống sót 2. Trong trường hợp của Chum, cô bé đã ngưng thở đến 20 phút.

Vì thế, cả gia đình vô cùng suy sụp. Ngay cả bố chị là người mạnh mẽ nhất cũng không thể cầm được nước mắt. Hồng Anh lúc này trở thành trụ cột tinh thần cho cả nhà. Chị trấn an, nói chuyện giúp bố mẹ thay đổi quan điểm sống và hướng dẫn em gái chị thực hành phương pháp để bình an trong hoàn cảnh bất an.

Với bố mẹ, chị nói chuyện về nhân quả. Tai nạn của bé Chum cho thấy nghiệp xấu và vô thường có thể ập đến bất kì lúc nào. Nếu tiếp tục gieo nhân xấu gây hại đến sức khỏe, sinh mạng của người và chúng sinh khác, người gieo hoàn toàn có thể rơi vào tình cảnh tương tự. Bố mẹ chị được thuyết phục, bắt đầu bỏ dần việc sát sinh. Mẹ chị bắt đầu tham gia các buổi phóng sinh, hồi hướng năng lượng bình an cho Chum.

Với em gái, Hồng Anh hướng dẫn và đồng hành chuyển hóa nỗi sợ. Chị hiểu rằng, năng lượng thấp của sợ hãi sẽ chỉ tạo ra thực tại đầy đau khổ, vì nó sẽ cộng hưởng và phóng đại những gì đang sợ. Hai chị em cùng viết ra những nỗi sợ dài đến vài trang A4. Khi nhìn lại những gì mình viết ra, chị nhận thấy tác hại của nỗi sợ: trong 30 điều mình đang sợ thì chỉ có 10 điều sợ cho con, còn tận 20 điều là nỗi sợ cho chính mình.

“Ví dụ, có một nỗi sợ ẩn sâu là lâu nay, tôi làm những công việc lan tỏa trí tuệ. Tôi khuyên mọi người làm lành tránh dữ. Vậy mà, giờ tôi lại gặp dữ chứ chẳng gặp lành. Tôi sợ người ta dèm pha là làm như thế mà lại gặp tình huống như thế…”

Hồng Anh kể, lúc này chị mới thật sự thấm thía rằng khi sợ hãi và tiêu cực, con người chỉ nghĩ đến bản thân mình mà không thể mở rộng trạng thái tinh thần để có thể nghĩ và hành động cho người khác, không thể sáng suốt đưa ra quyết định đúng đắn mang lại lợi ích cho những người khác.

Cũng vì vậy mà chị càng quyết tâm xử lý từng nỗi sợ một bằng phương pháp thực hành chyển hoá bên trong, chị cũng hướng dẫn em gái là Lan Phương cùng chuyển hoá để bớt sợ và bình an hơn. Trong những ngày đó, Lan Phương vẫn đến công ty làm việc với tinh thần khá bình tĩnh, khiến nhiều đồng nghiệp ngạc nhiên. “Đó là vì bạn chưa thấy mẹ của nó thôi. Mẹ con bé còn bình tĩnh hơn mình nữa” – Lan Phương kể lại.

medium shot sad woman sitting bed
Nguồn: Freepik

Quyết định đi ngược lại thông thường

Nhờ bạn bè giúp đỡ và những mối quan hệ cũ, Hồng Anh đã kết nối được một số y bác sĩ giỏi. Một người bạn của chị là bác sĩ trực tiếp thăm khám, xem hồ sơ của Chum và cập nhật tình hình hàng ngày. Tuy nhiên, bác sĩ nào cũng nói tình hình của bé không khả quan. Bố mẹ Hồng Anh lúc đó cũng chỉ còn cách đặt niềm tin vào Nhân quả, tích cực phóng sinh, hồi hướng và cầu nguyện.

Khi thấy gia đình đã an tâm hơn, Hồng Anh đưa ra một quyết định khác thường: bay ngược ra Hà Nội. Bé Chum vẫn được điều trị cách ly không gặp được nên chị muốn tranh thủ gần người thầy của mình để có trí tuệ cao nhất trong tình cảnh đang gặp.

Quyết định này không được bạn bè ủng hộ. Nhiều người bảo chị “máu lạnh”. Con bị như vậy mà vẫn làm việc, vẫn sống bình thường, còn bay ra Hà Nội. Hơn ai hết, chị hiểu rằng đâu là hành động tốt nhất cho con mình.

“Nếu con mất mà tôi không đủ trí tuệ thì cũng không giúp nó hướng về tái sinh tốt đẹp được. Con có thể hoảng loạn và tái sinh xuống các cõi thấp. Còn nếu con sống lại mà tôi không đủ trí tuệ, thì cả hai mẹ con cũng bị ảnh hưởng tâm lý, sợ hồ bơi, sợ đi đâu cũng có thể gặp tai nạn, lo lắng bất an và ảnh hưởng cho con suốt đời… Nên tôi buộc phải tìm cách tăng trưởng trí tuệ, như thế mới giúp ích được cho con.”

man wong aSERflF331A unsplash
Nguồn: Man Wong / Unsplash

Những tia sáng hiếm hoi

Kì tích đầu tiên xuất hiện vào ngày 11/02 sau khi chị bay ra Hà Nội vì muốn tăng trưởng trí tuệ. Bác sĩ gọi điện báo bé Chum có dấu hiệu kháng máy thở, nghĩa là bé có khả năng sẽ tự thở được. Nếu rút máy thở thành công, có thể chuyển Chum lên khoa thần kinh. Trường hợp còn lại, tình hình cơ bản là không có hy vọng nữa.

“Ngày 14/02, tôi quay trở lại Sài Gòn theo lịch bác sĩ hẹn rút máy thở. Thật may mắn, con đã tự thở được. Nhưng, con giống như một chú cá đang đớp không khí, xót xa lắm. Chum nằm thở một cách hổn hển. Hai tròng mắt mở to, vô hồn, không nhìn theo hướng nào, không phản ứng gì cả và miệng cứ há ra. Cảm giác như con cá mắc cạn, ngoi ngóp hớp lấy không khí để giành giật sự sống”, chị nghẹn ngào chia sẻ lại.

20240708 145009
Bé Chum được rút máy thở / Nguồn: Hồng Anh

Những ngày sau đó, bé đã tự thở nhưng tình trạng não vẫn rất nghiêm trọng. Não bé chỉ phát ra sóng delta rất chậm. Bác sĩ báo là não bộ trẻ sơ sinh còn có các sóng bình thường là alpha, beta… nhưng não của Chum bấy giờ chậm bằng 1/10 so với em bé mới sinh. Chum còn liên tục gặp các cơn động kinh hàng ngày nên y tá phải thường xuyên tiêm thuốc an thần để tránh tổn thương não và khiến tình trạng xấu thêm.

Tệ hơn nữa, ngay lúc các bác sĩ khoa thần kinh hàng ngày đều kết luận tình trạng của con là không thể chữa được, thì Hồng Anh đọc được bài báo đưa tin con trai của CEO Microsoft vừa mất vì bệnh bại não. Họ nói rằng ông Nadella đã quyên góp rất nhiều tài sản của mình cho quỹ nghiên cứu điều trị bệnh bại não. Suốt hơn 20 năm, các nghiên cứu vẫn không thể trị được bệnh này. Cuối cùng, đứa con trai duy nhất của vị CEO Microsoft đã qua đời.

Anh man hinh 2024 07 09 luc 15.13.31
Báo đưa tin con trai CEO Microsoft qua đời do chứng bại não bẩm sinh, cùng thời điểm Chum được chẩn đoán bại não / Nguồn: Internet

“Kể cả người giàu có, quyền lực như vậy còn không cứu được con của họ thì tôi chẳng có hy vọng gì để cứu được con của mình cả.” – chị chia sẻ. Trong bệnh viện, chị thường xuyên tập đối diện với tình huống tệ nhất của con. Chị chấp nhận rằng mình sẽ phải từ bỏ sự nghiệp và cuộc sống để ở nội trú hoàn toàn trong bệnh viện chăm con. Chị cũng chấp nhận cả việc con cứ ở mãi trong bệnh viện mà không tiến triển gì, hàng ngày vẫn quằn quại vì động kinh và khả năng nhận thức gần như bằng 0.

Điều kì diệu lần thứ hai

“Cái tốt nhất sẽ đến khi bạn không còn kì vọng nữa (Trong Suốt)”. Khi Hồng Anh chấp nhận được tình cảnh thì một lần nữa phép màu đến với hai mẹ con. Tình cờ hôm ấy có đoàn thanh tra y tế đến thăm khoa và kiểm tra phản xạ của bé. Mặc dù ban đầu không có phản ứng, nhưng sau vài giây, bé đã chớp mắt chậm rãi, cho thấy não giữa và não trong của bé vẫn còn hoạt động. Bác sĩ kết luận, Chum khó có thể hồi phục tư duy và chức năng não như đứa trẻ bình thường nhưng bé vẫn còn hy vọng có thể đi đứng, ăn uống. Mong rằng những tế bào sống sót của não giữa và não trong có thể giúp con sống được, gánh được phần đại não đã hư vài chục phần trăm. Bác sĩ khuyên gia đình nên làm thủ tục cho Chum về, làm vật lí trị liệu tại nhà.

“Lúc đó tôi rất bỡ ngỡ. Mới buổi sáng, tôi đang tập chấp nhận là con hoàn toàn có thể không khoẻ lại được và mình phải ở nội trú cả năm. Vừa chấp nhận như thế thì buổi chiều bác sĩ yêu cầu xuất viện luôn. Tôi gọi điện báo cho gia đình, sắp xếp để sáng hôm sau làm thủ đưa con về nhà. Bố mẹ tôi mời một bác sĩ gần nhà hằng ngày qua làm vật lý trị liệu cho con.”

Khi đưa Chum về nhà, Hồng Anh trực tiếp chăm sóc Chum và không cho con tiếp xúc với người thân có trạng thái e ngại, lo sợ… Chị chỉ để những người thân có cảm xúc bình an, yêu thương vào thăm con. Hơn ai hết, Hồng Anh hiểu được tác hại của rung động sợ hãi và lợi ích của rung động yêu thương với tình trạng sức khoẻ của bé.

3. Tu luc duoc thao may tho toi luc duoc ve nha
Từ lúc được tháo máy thở tới lúc được về nhà / Nguồn: Hồng Anh

Phép màu đến với Chum

Điều trị tại nhà, bé Chum bắt đầu gặp ảo giác. Bé hay hét toáng lên và quằn quại xua đuổi đám khủng long đang tới, bầy kiến đang bò trên da, hoặc đàn ong đang chích… Thời gian còn lại, bé bất động và tê liệt.

Một lần nữa chị thực hành chấp nhận rằng con hoàn toàn có thể sẽ thành người thực vật cả cuộc đời, không thể đi đứng lại được. Bản thân chị cũng sẽ dùng cả đời này chỉ để ở bên cạnh con, hằng ngày chăm sóc, thay tã, bơm sữa cơm cháo cho con, không còn bất kỳ hoạt động nào khác như cuộc sống bình thường trước đây.

Khi chấp nhận như thế, Hồng Anh quyết định cắt thuốc an thần mà bác sĩ đã kê.

“Nếu con không hồi phục, thuốc an thần là vô ích. Nếu con hồi phục, thuốc lại càng có hại cho con”. Bỏ thuốc, chị dành 100% thời gian bên cạnh Chum, theo dõi sát sao. Chị thực hành những biện pháp trong tình yêu thương như diện chẩn, trò chuyện, cho con nghe nhạc… Chị kích thích những động lực về sự tận hưởng, niềm vui, kích thích những rung động cao của con. Chum dần có tín hiệu tích cực. Bé không còn gặp ảo giác và bắt đầu đầu có phản ứng với người khác.

Bé Chum được chăm sóc và chữa trị trong môi trường tràn ngập tình yêu thương
Bé Chum được chăm sóc và chữa trị trong môi trường tràn ngập tình yêu thương

“Bé mà nhanh khỏe thì mẹ đưa em đi chơi Hà gì nhỉ?” – Hồng Anh trò chuyện với bé như mọi khi.

“Hà Nội” – bé Chum đáp.

Khoảnh khắc vỡ òa trong hạnh phúc và kì diệu. Sau một thời gian dài không có bất cứ phản xạ nào, bé Chum đã đáp lại lời chị. Một dấu hiệu tốt cho thấy bé có thể hồi phục được. Dần dần, bé tự nuốt được đồ ăn, tự ăn được những đồ lỏng như sữa chua, cháo. Bé tự ngồi và đòi chơi game. Bé có thể tự đứng dù còn vấp váp, xiêu vẹo.

Bé Chum bập bẹ nói được từ “Hà Nội” / Nguồn: Hồng Anh
Bé Chum bắt đầu tập đứng và đi / Nguồn: Hồng Anh
Bé Chum phục hồi khả năng chơi game / Nguồn: Hồng Anh

Sau một tháng dần hồi phục, đến ngày hẹn tái khám, gia đình chị đưa bé đi chụp MRI não. Khi đọc kết quả, bác sĩ đã thốt lên: “Ôi ca này là trời Phật thương nó, chứ khoa học không thể giải thích nổi.” Kết quả cho thấy, không có tế bào nào trong não có vấn đề. 100% não bé bình thường.

16. Ket qua chup MRI
Kết quả chụp MRI của bé Chum sau 1 tháng điều trị tại nhà / Nguồn: Hồng Anh

Sáu tháng sau, Chum hoàn toàn bình phục tất cả các khả năng liên quan đến vận động, trí nhớ, tính toán và ngôn ngữ. Hiện tại, con đang theo học tại Singapore, thành thạo 3 thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Trung và tiếng Anh. Con luôn nằm trong top đầu của lớp. Mỗi khi nhắc lại, Chum vui vẻ và tự hào kể rằng “ngày xưa con từng chết đuối, con từng mất trí nhớ”. Bé không hề sợ nước, vẫn thích vui đùa trong bể bơi cùng bạn bè.

Thành tích học tập rất tốt của bé Chum / Nguồn: Hồng Anh

“Quả thật là phép màu. Lúc đầu, Chum gần như không còn hi vọng. May mắn trở về từ cõi chết, bé chắc chắn sống suốt đời như người thực vật với 1/3 não đã chết. Vậy mà hôm nay, Chum chạy nhảy và nô đùa như những đứa trẻ bình thường. Bé học hành thông minh sáng dạ, yêu thương mọi người. Nhìn Chum, không ai có thể tưởng tượng được những chuyện đã xảy ra với bé…” – Gia đình Hồng Anh bồi hồi chia sẻ.

Đúc kết từ người trong cuộc

Trong biến cố này, Hồng Anh đã phải đối mặt với thử thách lớn nhất đối với một người mẹ: nguy cơ mất đi đứa con của mình. Thay vì chìm đắm trong tuyệt vọng, chị đã nỗ lực thực hành chuyển hoá tâm thức – phương pháp chị theo đuổi hơn nửa thập kỷ qua. Chị nhận ra rằng sự thay đổi bắt đầu từ trạng thái tâm thức bên trong, và đây là chìa khóa giúp chị và gia đình cùng nhau vượt qua được khó khăn này.

“Câu chuyện của Chum mang lại cho tôi những kinh nghiệm quý giá về tình thương, sinh tử và đối diện nỗi sợ. Vô cùng biết ơn vì qua hoàn cảnh này tôi đã được phát triển lòng tin sâu sắc vào sự thật, được trưởng thành hơn và sẵn sàng giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh tương tự.” – Hồng Anh kết luận.

Trong thời gian cùng con đối mặt với bệnh tật, Hồng Anh đã ưu tiên việc thực hành chuyển hoá tiêu cực, giúp chị có những quyết định và hành động sáng suốt. Chị đã tạo được không gian tích cực cho con và giúp người thân bình an hơn. Chum được chăm sóc trong tần số rung động tâm thức cao của sự hoàn hảo, chấp nhận và yêu thương.

Sau tất cả, chị học được rằng trong mỗi thử thách đều ẩn chứa cơ hội để trưởng thành và mạnh mẽ hơn. Câu chuyện này là nguồn cảm hứng để hướng về ánh sáng trong những thời điểm tăm tối nhất. “Thử thách hay drama đến không phải để gây hại cho mình, mà nếu mình tập trung vào bài học thì thử thách chính là cơ hội để mình nâng tầm và biết cách hạnh phúc hơn” – ai cũng có thể tự trở thành nguồn ánh sáng cho chính bản thân mình và những người xung quanh nếu biết phương pháp.

17. Ca nha an mung nao con khong co van de 1
Cả nhà ăn mừng sau khi kiểm tra não Chum không còn vấn đề / Nguồn: Hồng Anh

(Ảnh: bé Chum và mẹ hiện tại)

—————————

Chú thích:

  1. Nguồn 1: Textbook of Emergency Medicine, 7th Edition, Judith E. Tintinalli ↩︎
  2. Nguồn 2: New England Journal of Medicine, “Neurologic Prognosis after Cardiac Arrest ↩︎

Được đọc nhiều nhất

Bình chọn

xuất hiện trên 360° Emotions số tiếp theo

Đăng nhập

Kết nối, thảo luận và tương tác nhiều hơn

Bạn chưa có tài khoản? ĐĂNG KÝ

Đăng ký

Sử dụng tài khoản Google của bạn để truy cập ngay – an toàn và tiện lợi

hoặc hoàn thành biểu mẫu sau

Bạn đã có tài khoản? ĐĂNG NHẬP